Báo Công An Đà Nẵng

Bất ổn trong kinh doanh gas (2)

Thứ ba, 22/10/2013 21:37

* BÀI CUỐI: CÂU CHUYỆN “HỒN TRƯƠNG BA...”

(Cadn.com.vn) - Điều nghịch lý trong cuộc chơi kinh doanh gas không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà ngược lại, những thương hiệu kinh doanh có uy tín đang bị đối thủ có tiềm lực kém hơn xâm hại một cách trắng trợn...

Tung tờ rơi để “hạ” đối thủ

Theo thống kê, hiện cả nước có 23 DN tham gia nhập khẩu và cung cấp gas. Ngoài ra còn có khoảng 130 tổng đại lý thuộc các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) cùng hơn 3.500 đại lý và hơn 8.000 cửa hàng bán lẻ LPG. Tại khu vực miền Trung, thời gian gần đây, cuộc chiến giành thị phần gas diễn ra khá quyết liệt, hậu quả là người tiêu dùng chịu thiệt. Mới đây, Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn phản ánh của Cty TNHH SCT Gas Việt Nam (trụ sở ở P. Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) về việc Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam Đà Nẵng phát tờ rơi cảnh báo đến các đại lý không được tiếp tay cho VGAS hoặc bất cứ đơn vị nào khác thu gom vỏ bình, đồng thời cảnh báo sẽ chấm dứt hợp đồng phân phối bán lẻ một số loại gas.

Qua tìm hiểu được biết, đây là việc làm tự phát của một số Cty kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng để cạnh tranh lại với Cty SCT Gas Việt Nam. Bởi lẽ, chưa hề có Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam Đà Nẵng. Được biết, SCT Gas có 100% vốn đầu tư nước ngoài, được đầu tư quy củ với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 40 triệu USD và là chủ sở hữu một số thương hiệu gas trong đó có thương hiệu “VGAS”, “PMGAS”, “PicnicGas”. Đầu tháng 6-2013, Cty SCT Gas bắt đầu triển khai mở rộng thị trường phân phối bình gas mang thương hiệu “VGAS” tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, khi triển khai chưa được một tháng thì tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng xuất hiện một số tờ rơi có in dấu tròn, chữ ký và chức danh của 11 Cty kinh doanh gas trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với nội dung hạ thấp uy tín của thương hiệu VGAS.

“Hồn Trương Ba...”

Không chỉ “vu khống” hạ uy tín của nhau, để tranh giành thị phần, một số DN kinh doanh gas còn sử dụng “chiêu” chiếm dụng vỏ bình của các hãng khác để cải biên thành sản phẩm của mình, điều này là vô cùng nguy hiểm. Theo các đại lý phân phối gas ở khu vực miền Trung, các bình gas loại này trôi nổi trên thị trường theo kiểu “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người sử dụng, vì những bình gas này không bao giờ được kiểm định.

Mổ bình gas mang nhãn hiệu Petro TL Gas phát hiện
bên trong có in chữ nổi logo thương hiệu V-Gas.

Theo điều 13, Chương 2, Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định, các thương nhân phân phối LPG cấp 1 bắt buộc phải có kho LPG với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 800m3 và có tối thiểu 300.000 vỏ bình LPG thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, nhiều Cty gas không đủ sức đầu tư số lượng vỏ bình theo quy định (150 tỷ đồng nếu đầu tư đủ 300.000 vỏ), đó là chưa tính đến các hạng mục khác. Vậy là họ nghĩ cách thu gom vỏ bình của các thương hiệu khác để hoán cải rồi “biến” thành bình gas của Cty mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy trình hô “biến”, hoán cải của một bình gas thông thường được thực hiện như sau: Lấy bình gas của Cty khác về, tiến hành cắt bỏ tai - quai xách, cắt bỏ đế chân bình, mài bỏ tên Cty hoặc logo trên đầu bình, sau đó chỉ đi đặt quai xách bình (khoảng 50.000 đồng/cái), đế chân bình (khoảng 30.000 đồng/cái), rồi hàn vào và sơn mới lại (tiền sơn khoảng 40.000 đồng/bình). Theo tính toán, nếu chiếm dụng vỏ bình của Cty khác rồi đem hoán cải làm lại thành bình gas của mình thì những Cty đó chỉ tốn không đến 250.000 đồng/bình, bằng 1/2 so với giá sản xuất.

Đáng lo nhất trong câu chuyện chiếm dụng vỏ bình là nguy cơ mất an toàn đối với người sử dụng do tác động trong quá trình gia công lại thành thương hiệu mới, bình gas đã bị mài mòn và không được kiểm định an toàn. Tuy nhiên, có một điều các Cty chiếm dụng không thể làm giả được là hầu hết các vỏ bình của thương hiệu lớn đều có dập logo chữ nổi trong ruột vỏ bình. Vì vậy, dù có thay đổi nước sơn và tai quai nhưng không thể thay được logo bên trong. Đây là dấu hiệu để nhận biết, vạch mặt các thương hiệu làm ăn gian dối.

Quá trình tìm hiểu về câu chuyện này, chúng tôi đã khảo sát độc lập bằng tiến hành “phẫu thuật” cắt đôi một số vỏ bình gas đang có mặt tại thị trường khu vực miền Trung. Trong số hơn 20 bình gas dân dụng loại 12kg chọn ngẫu nhiên, còn nguyên niêm phong, tem chính hãng của nhiều thương hiệu, chúng tôi phát hiện có tới 18 bình trong ruột có in logo mang thương hiệu khác. Đơn cử, bình Petro TL gas thuộc Cty Gas Thành Lợi, số Seri 000133 trong ruột có in logo thương hiệu V.Gas (trụ sở tại Đồng Nai); bình An Gas (Cty TNHH Ánh Ngọc) mang số seri 153398 bên trong có in logo thương hiệu PM Gas (trụ sở tại Đồng Nai); bình Petro Gas (Cty TNHH Miền Đông) có số seri 063125 trong ruột có logo Vina gas (TPHCM). Phải nói rõ rằng, chúng tôi không có ý quy kết 3 thương hiệu Petro TL Gas, An Gas và Petro Gas chiếm dụng vỏ bình của các thương hiệu khác, bởi điều này thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Thiết nghĩ, trước hiện tượng bất minh này, đã đến lúc các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, không chỉ bảo vệ quyền lợi, sự an toàn cho người sử dụng, cho xã hội mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh gas. Để những quả bom gas giữa nhà dân không phát nổ.

Bài, ảnh: Nguyên Thảo