Báo Công An Đà Nẵng

Bất tận dã quỳ...

Thứ sáu, 06/12/2019 15:00

Khi heo may bắt đầu về thì cao nguyên vàng rực một màu của dã quỳ. Không lẫn vào đâu được. Đến độ có những vùng đất đã trở thành xứ sở của dã quỳ. Mà Đà Lạt chỉ là một.

Dã quỳ Đà Lạt.

Có nhiều loài hoa màu vàng say đắm lắm chứ! Hoa bò cạp nước vàng ươm, rủ từng dòng như thác vàng óng đổ. Hoa cúc vàng tươi có chiếc cuống dài vươn cao trong nắng. Hoa hướng dương vàng rực nghiêng mình theo chiều mặt trời như hướng về chân lý bất diệt. Ngay cả những chiếc hoa mướp, hoa khổ qua, hoa dưa... vàng hoe màu của nắng cũng gợi cho chúng ta biết bao cảm xúc về những vùng quê thanh bình, trù phú.

Thế nhưng, đứng trước dã quỳ, cái màu vàng ấy vừa ươm, vừa tươi, vừa rực, vừa hoe, lại cho ta cảm xúc khác. Không lẫn vào đâu được.

Bởi một điều có lẽ rất đặc biệt, dã quỳ là loài hoa dại, không ai trồng, chẳng ai chăm sóc, không hương thơm nhưng lại có sắc màu quyến rũ kỳ lạ. Dã quỳ chỉ đẹp chỉ mọc thành trảng, thành vừng, thậm chí thành rừng. Nếu chỉ một hai bụi dã quỳ đơn lẻ, chắc ta cũng chỉ thấy một chỏm vàng trên nền xanh lọt thỏm giữa cao nguyên mênh mông. Nhưng khi đi qua những dải hoa vàng tưởng như bất tận, ta bỗng thấy đất trời như chỉ có dã quỳ.

Dã quỳ có lẽ đẹp hơn chính vì nở hoa trong tiết trời se lạnh. Khi mọi người đã quá quen thuộc với khí hậu nóng ẩm gần như quanh năm của đất phương Nam thì chính cái không khí se se lại dễ làm người ta dễ chịu. Cảm giác đó đưa con người đến những cảm xúc rộn rã của thời khắc giao mùa - đông và xuân đang âm thầm bước đến. Và, dĩ nhiên, dã quỳ luôn làm say lòng như tất cả những người từ nơi khác đến với cao nguyên.

Không chỉ vậy, dã quỳ như gắn liền với những chiếc áo len xanh đỏ, những chiếc thổ cẩm đủ màu sặc sỡ, những chiếc gùi mây, những chiếc xe ngựa xe bò bánh gỗ, những vạt đất màu đỏ thắm của vùng cao. Đi Đà Lạt, đến Buôn Ma Thuột, lên Pleiku hay qua Kon Tum, nơi nào cũng rực rỡ màu vàng ấy. Những trảng dã quỳ rung rinh trong gió cứ ngỡ như sóng biển rì rào buổi bình minh dưới ánh mặt trời dát vàng lấp lánh. Cứ thấy những rừng dã quỳ, ta biết đã đến Tây Nguyên!

Tôi yêu dã quỳ hơn bất kỳ loài hoa nào khác. Mấy lần đi Tây Nguyên, tôi hái được vài chùm hoa khô về làm giống. Tôi đinh ninh đất Đồng Nai chắc không xa lạ với loài hoa này. Rồi hạt giống nảy mầm, những thân dã quỳ chắc mẩy như thược dược ngày một lớn. Tháng mười một hoa nở. Những cánh hoa vàng tươi rung rinh trong gió. Lòng tôi vui sướng khi thấy sự cố gắng của mình đã có kết quả. Nhưng tôi chẳng thể có được cảm xúc khi đứng trước những trảng dã quỳ bất tận của vùng cao. Vì chẳng có những ngọn gió se se? Chẳng có những đôi má hồng miền sơn cước? Vì thiếu màu đỏ của đất bazan? Hình như chẳng phải như vậy. Mấy bụi dã quỳ của tôi lẻ loi nên nom như loài cúc dại. Thì ra, dã quỳ thực sự đẹp, thực sự quyến rũ khi đã mọc thành trảng, thành rừng...

Cũng như con người thật lẻ loi, cô độc và đáng chán khi chỉ có một mình. Không phải để so sánh với nhau, mà chính là để góp thành một sức mạnh chung, một tiếng nói chung. Đó là quần thể, là cộng đồng, là xã hội, tác động qua lại với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm với nhau và tôn vẻ đẹp của nhau, làm bật ưu điểm của nhau. Từ thể chất đến tinh thần.

Đó là sự tuyệt vời của tạo hóa. Không chỉ đối với hoa, mà cả đối với người.

Một đêm tôi mơ mình có một trang trại giữa cao nguyên. Tôi đã trồng toàn dã quỳ. Không để bán, không để làm du lịch. Chỉ để nhìn ngắm, cho thỏa niềm đắm đuối với một loài hoa dại. Tôi thấy mình đi giữa sóng dã quỳ. Rung rinh. Rì rào. Khi tan giấc điệp, tôi vẫn còn nở nụ cười tươi!

Ngoài kia, khí trời se se cho biết xuân đang bước chân về!

Nguyễn Minh Hải