Báo Công An Đà Nẵng

Bầu cử giữa kỳ - bước ngoặt đối với Mỹ trong 2 năm tới

Thứ ba, 08/11/2022 07:36
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu giữa kỳ sớm tại Minneapolis hôm 23-9. Ảnh: AP

Theo hiến pháp Mỹ, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 34 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Ngoài lưỡng viện quốc hội, cử tri Mỹ còn bầu thống đốc 36 bang và ba vùng lãnh thổ, chọn thị trưởng nhiều thành phố và các quan chức địa phương. Cử tri đi bầu cử giữa kỳ tại 36 bang còn bỏ phiếu về 129 luật, quy định cấp địa phương, trong đó có luật về phá thai ở California, Kentucky, Michigan, Montana và Vermont.

Rất quan trọng đối với ông Biden

Đối với Tổng thống Joe Biden, 2 năm sau chiến thắng trước cựu Tổng thống Donald Trump để trở thành nhà lãnh đạo của nước Mỹ, đây sẽ là một trong những thử thách lớn nhất mà ông sẽ phải đối mặt. Cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều khả năng sẽ quyết định thành bại của không chỉ nhiệm kỳ tổng thống mà còn là khả năng tái cử vào năm 2024 của ông.

Bầu cử giữa kỳ được xem là "cuộc trưng cầu dân ý" gián tiếp về nhiệm kỳ của ông Biden, vốn đang chịu nhiều sức ép về hàng loạt vấn đề đối nội. Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu đảng Dân chủ có tiếp tục chiếm ưu thế trong nhánh lập pháp hay sẽ đánh mất vào tay đảng Cộng hòa. Quốc hội có thể gây khó khăn lớn, thậm chí chặn quyết sách của tổng thống nếu các dự luật không được thông qua ở lưỡng viện.

Trong lịch sử, đảng của tổng thống đương nhiệm phần lớn mất ghế ở Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Khi các lời hứa khi tranh cử của vị tân tổng thống không được thực hiện hoặc thực hiện một cách không hiệu quả, tỉ lệ ủng hộ đối với tân tổng thống sẽ sụt giảm và điều đó dẫn đến việc tỉ lệ ủng hộ các ứng viên trong đảng của ông ta sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Tính đến thời điểm đầu tháng 11, tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden đang ở mức 40%, cao hơn so với mức thấp kỷ lục 36% vào tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh so với tỷ lệ tín nhiệm 57% hồi đầu nhiệm kỳ. Theo giới phân tích, việc nền kinh tế Mỹ phục hồi không như mong đợi sau đại dịch COVID-19 chính là bước ngoặt khiến cho tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden lao dốc.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC)+ khiến giá cả nhiều mặt hàng và lạm phát leo thang, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân Mỹ. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn cử tri vẫn bày tỏ sự thiếu tin tưởng với chính quyền của Tổng thống Biden trong công tác đối ngoại, đặc biệt là sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan và để lại ở quốc gia Nam Á một cuộc khủng hoảng nặng nề về chính trị và nhân đạo dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban.

Cục diện hiện tại

Một đảng cần ít nhất 218 ghế để giành quyền kiểm soát Hạ viện. Đảng Cộng hòa hiện nắm 212 ghế, trong khi đảng Dân chủ của ông Biden nắm 221 ghế. Hạ viện Mỹ còn 2 ghế trống sẽ được tổ chức bầu cũng trong tháng 11 ở Indiana và Florida, những bang mà các ứng viên Cộng hòa có khả năng giành chiến thắng cao.

Tờ Washington Post dẫn các phân tích mới nhất, cơ hội để đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện hiện cao hơn đảng Dân chủ. Cụ thể, 39 ghế hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ đang không chắc chắn. Trong số này, đảng Cộng hòa được cho là nắm chắc cơ hội lấy lại các ghế ở Iowa, New Jersey và Virginia, bên cạnh khả năng lớn ở New England, California và Oregon. Trước thềm bầu cử, họ tính toán có thể lấy được 20 ghế từ đảng Dân chủ. Ở chiều ngược lại, đảng Dân chủ đang có cơ hội trước 3 ghế hạ viện ở Michigan, Ohio và Bắc Carolina.

Trong khi đó, tình thế ở Thượng viện gay cấn và khó lường hơn. Hiện Cộng hòa nắm 50 ghế, Dân chủ nắm 48 ghế cùng 2 ghế độc lập nhưng có xu hướng ủng hộ đảng này. Tuy nhiên, đảng Dân chủ có lợi thế vì Phó tổng thống Kamala Harris là người có quyền bỏ phiếu quyết định khi số ghế của hai đảng cân bằng. Lần này, cử tri sẽ bầu lại 35 ghế thượng nghị sĩ, bao gồm 14 ghế đang do Dân chủ nắm và 21 ghế do Cộng hòa nắm. Theo Đài CBS News, 10 trong số 34 cuộc đua giành ghế ở Thượng viện là then chốt, trong đó nhiều cuộc đua được cho là chưa ngã ngũ.

AN BÌNH