Báo Công An Đà Nẵng

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Kịch bản được dự đoán

Thứ năm, 08/11/2018 12:36

Tổng thống Mỹ Donald Trump tự hào về chiến thắng của phe Cộng hòa ở Thượng viện, nhưng sau khi đảng Dân chủ “tịch thu” Hạ viện, cuộc chiến này đã khiến vị Tổng thống của đảng Cộng hòa này cảm nhận được vị thế của một trong những “kẻ thua cuộc” mà ông thường mỉa mai.

Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, mừng chiến thắng.  Ảnh: AFP

Cuộc đua giành ghế Quốc hội đã ngã ngũ với chiến thắng đúng như giới chuyên gia dự đoán giành cho đảng Dân chủ tại Hạ viện và đảng Cộng hòa tại Thượng viện.

Đảng Dân chủ nắm Hạ viện, Cộng hòa nắm Thượng viện

Theo kết quả công bố ngày 7-11, phe Dân chủ giành được 220 ghế tại Hạ viện, chính thức giành lại quyền kiểm soát Hạ viện gồm 435 ghế từ tay đảng Cộng hòa sau 8 năm qua. Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ ca ngợi những nỗ lực trong suốt thời gian qua của đảng này và khẳng định “ngày mai sẽ là một ngày mới với nước Mỹ”. “Cảm ơn tất cả, chúng tôi đã làm chủ mảnh đất này. Ngày mai sẽ là một ngày mới với nước Mỹ”, bà Pelosi nói trước những người ủng hộ đảng Dân chủ. Dự kiến, bà Pelosi sẽ tìm kiếm vai trò Chủ tịch Hạ viện, vị trí mà bà từng nắm giữ trong 4 năm, từ năm 2007.

Việc giành lại quyền kiểm soát Hạ viện giúp đảng Dân chủ thiết lập hàng rào kiểm tra thể chế chính trị đối với Tổng thống Donald Trump, đồng thời phá vỡ độc quyền của đảng Cộng hòa ở Quốc hội và mở ra một thế hệ chính trị trẻ hơn, nhiều phụ nữ hơn và đa dạng hơn. Nhưng đảng Cộng hòa vẫn còn quyền kiểm soát Thượng viện khi giành được 51 ghế, sau một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy khó khăn và đã ghi nhận sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ cũng như định hình một trận chiến cho cuộc đua tổng thống năm 2020 đang khuấy động.

Dù phe Cộng hòa thất bại ở Hạ viện, trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Trump đã chọn cách ăn mừng. Tổng thống Trump đã gọi cuộc bầu cử này là một thành công to lớn. “Chiến thắng to lớn tối nay. Cảm ơn tất cả các bạn!”, ông viết trên Twitter. Ông chủ Nhà Trắng không hề đề cập đến thất bại của đảng Cộng hòa tại  Hạ viện. Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ không có phát biểu nào vào đêm 6-11 (sáng 7-11, giờ Việt Nam), sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Khó khăn với ông Trump

Tổng thống Trump ca ngợi chiến thắng của phe Cộng hòa ở Thượng viện, nhưng sau khi đảng Dân chủ “tịch thu” Hạ viện, cuộc chiến này đã biến vị Tổng thống của đảng Cộng hòa này cảm nhận được vị thế của một trong những “kẻ thua cuộc” mà ông thường mỉa mai.

Thực tế là, cuộc bầu cử lần này được xem là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. 2/3 số cử tri Mỹ đi bầu cử cho biết họ bỏ phiếu để bày tỏ quan điểm về vị tổng thống gây nhiều tranh cãi này. Quốc hội Mỹ giờ đây sẽ chứng kiến tình trạng chia rẽ khi mỗi viện chịu sự kiểm soát của một đảng và tình trạng này sẽ duy trì cho tới cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020. Và kết quả lần này cho thấy, ngày càng có nhiều người phản đối Tổng thống Trump hơn là ủng hộ.

Rõ ràng, khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Trump sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong những quyết sách đưa ra trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ. Đảng Dân chủ có quyền ngăn chặn các kế hoạch và quyết sách của ông khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Với thế đa số tại Hạ viện, đảng Dân chủ còn có quyền điều tra thuế của Tổng thống Trump và những xung đột lợi ích tiềm tàng. Thậm chí, Tổng thống Trump còn đối diện với nguy cơ bị luận tội nếu có đủ bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với Nga. Tuy nhiên, Quốc hội không thể phế truất Tổng thống đương nhiệm nếu 2/3 thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ.

Không thể hạ nhiệt thương chiến Mỹ - Trung

Đảng Dân chủ hiện nay có thể thách thức các chính sách mà ông chủ Nhà Trắng đang theo đuổi trong mối quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc hay Trung Đông. Trong đó, Bắc Kinh quan tâm nhất đến cuộc bầu cử này do cuộc chiến thương mại với Washington đang căng thẳng và gây hệ quả nghiêm trọng.

Và có thể Bắc Kinh xem chiến thắng của phe Dân chủ là cơ hội lớn cho họ. Mong chờ một giải pháp cho cuộc chiến thương mại đang đè nặng nền kinh tế, Trung Quốc có thể cho rằng, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát có thể có quan điểm mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh nên suy nghĩ lại. Trung Quốc là một trong số rất ít khu vực chính sách mà nhận được sự đồng thuận từ cả hai viện Quốc hội. Đảng Dân chủ nhất trí rộng rãi rằng, Mỹ cần có hành động cứng rắn hơn đối với cường quốc này. Nhà phân tích kinh tế Nick Marro nhận xét: “Khó có khả năng họ sẽ thúc đẩy một sự can dự thương mại lớn hơn với Trung Quốc”. Kể cả khi Hạ viện muốn như vậy, quyền hành áp thuế nhằm vào Trung Quốc về cơ bản nằm trong tay cơ quan hành pháp, đó chính là Tổng thống Trump. Nếu ông chủ Nhà Trắng cần sự ủng hộ từ Quốc hội liên quan chính sách với Trung Quốc trong tương lai, rất ít dấu hiệu cho thấy phe Dân chủ sẽ ngáng đường ông.

Đây là thông tin xấu cho Chủ tịch Tập Cận Bình, bởi chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xoa dịu một chính quyền Mỹ đang ngày càng thù địch.

KHẢ ANH