Bầu cử không thể cứu Afghanistan?
(Cadn.com.vn) - Afghanistan chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tối quan trọng, dự kiến diễn ra vào ngày 5-4. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này xem ra cũng khó có thể giúp quốc gia Nam Á vượt qua bóng ma bạo lực, bất ổn để sớm trở thành quốc gia hòa bình.
Rõ ràng, một cuộc bầu cử thành công sẽ là cột mốc dân chủ quan trọng, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Afghanistan trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Một lãnh đạo mới được dân cử hợp pháp có thể giúp thuyết phục người Afghanistan tin rằng, chính phủ được bầu cử là lựa chọn tối ưu, tốt hơn rất nhiều so với lực lượng cực đoan Taliban, để từ đó làm suy yếu làn sóng nổi dậy.
Nó cũng sẽ mang lại quyền lực cho một nhà lãnh đạo chắc chắn không phải là ông Hamid Karzai (ông không được quyền tiếp tục tranh cử vì đã phục vụ 2 nhiệm kỳ 5 năm). Và người ta hy vọng, vị Tổng thống mới sẽ đặt bút ký Thỏa thuận An ninh song phương (BSA) với Washington, đảm bảo sự hiện diện quân sự quốc tế duy nhất còn có mặt ở Afghanistan sau năm 2014.
Nhưng thành công cho cuộc bầu cử lần này xem ra khá xa vời. Hôm 10-3, Taliban thề “sử dụng tất cả lực lượng” để phá vỡ “các cuộc bầu cử giả tạo sắp tới”. Những người ủng hộ hai ứng cử viên hàng đầu-Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah-đang được nhắm mục tiêu. Những ngày gần đây, Taliban tổ chức tấn công vào 2 cơ sở Ủy ban bầu cử khác nhau. Cử tri phần nào đã bị gây áp lực nặng nề. Một đám mây u ám bao phủ khắp các điểm bầu cử.
Để giảm mức độ bạo lực, các quan sát viên lạc quan nhấn mạnh, nhân viên an ninh Afghanistan “đang làm tốt hơn”. Tuy nhiên, năng lực của họ vẫn còn hạn chế. Trong năm 2012, ước tính một nửa quân đội Afghanistan nghiện ma túy. Mỹ hiện đang tài trợ chương trình xóa mù chữ trị giá 200 triệu USD. Tuy nhiên, một nửa số quân đội và cảnh sát Afghanistan có thể sẽ vẫn còn mù chữ cho đến khi kết thúc thập kỷ này. Cuối cùng, đáng lo ngại nhất là lực lượng quân đội Afghanistan đang tổn hao dần, tỷ lệ lên đến 33%/năm.
Theo Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, có đến 30.000 binh sĩ đào ngũ vào năm 2013, trong tổng số lực lượng 185.000 người. Liệu đội quân này có thể đánh bại Taliban – lực lượng mà các đội quân mạnh nhất thế giới (NATO) không thể đánh bại trong 13 năm qua?
Nói thế để thấy rằng, chặng đường đi đến ổn định của Kabul không chỉ trải toàn hoa hồng.
Thanh Văn