Bầu cử Mỹ vẫn tiếp tục “nóng”
Nửa tháng trước ngày Tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump vẫn nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử. Trong khi đó, hơn 100 hạ nghị sĩ và hàng chục thượng nghị sĩ ủng hộ kế hoạch thách thức kết quả kiểm phiếu của đại cử tri trong phiên họp quốc hội ngày 6-1.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump tham gia một cuộc biểu tình ở Quảng trường Tự do tại thủ đô Washington hôm 12-12-2020. Ảnh: Getty Images |
Ông Trump yêu cầu bang Georgia lật ngược kết quả
Ngày 3-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp yêu cầu quan chức bầu cử hàng đầu của bang Georgia "tìm phiếu" để đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại bang này. Trong bản ghi âm cuộc điện thoại do báo Washington Post đăng tải, Tổng thống Trump liên tục yêu cầu ông Brad Raffensperger, người phụ trách vấn đề đối ngoại bang Georgia, "tìm" hơn 11.000 phiếu bầu cần thiết để ông có số phiếu vượt qua số phiếu mà ông Joe Biden đang dẫn trước hiện nay, theo đó có thể thay đổi kết quả bầu cử của bang này.
Theo đoạn ghi âm, Tổng thống Trump đã chất vấn về tin đồn rằng những phiếu bầu cho ông đã bị “chia nhỏ” ở hạt Fulton, nơi có thành phố lớn nhất của bang này là Atlanta, một pháo đài của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đoạn ghi âm cho thấy ông Brad Raffensperger đã bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Trump, cho rằng đây là cuộc bầu cử công bằng và chính xác, đồng thời từ chối đáp ứng mong muốn của Tổng thống.
Đây là động thái gây sức ép mới nhất của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020. Hiện Nhà Trắng và văn phòng của ông Raffensperger từ chối bình luận về thông tin trên. Trước đó, Tổng thống Trump cũng kêu gọi các quan chức bang Georgia, bao gồm cả Thống đốc Brian Kemp triệu tập phiên họp đặc biệt để đảo ngược kết quả bầu cử của bang này.
Lãnh đạo Hạ viện ủng hộ “lật kèo” bầu cử
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa, ủng hộ việc thách thức kết quả kiểm phiếu của đại cử tri trong phiên họp quốc hội ngày 6-1. "Tôi nghĩ sẽ đúng đắn khi chúng ta có một cuộc tranh luận. Ý tôi là mọi người đang chứng kiến các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ xác nhận sẽ phản đối kết quả bỏ phiếu. Chúng ta đâu còn cách nào khác để thay đổi các vấn đề bầu cử?", ông McCarthy cho biết hôm 3-1.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks hồi tháng trước đã công bố kế hoạch thách thức kết quả kiểm phiếu của đại cử tri trong phiên họp quốc hội ngày 6-1. Hơn 100 hạ nghị sĩ và hàng chục thượng nghị sĩ được cho là sẽ tham gia vào kế hoạch này. Phó Tổng thống Mike Pence, người chủ trì phiên họp ngày 6-1, cũng ra tín hiệu ủng hộ nỗ lực "lật kèo" bầu cử.
Những đồng minh của Tổng thống Mỹ khẳng định dù các tòa án đã bác mọi thách thức pháp lý từ chiến dịch của ông Trump, quốc hội nên giữ quyền tài phán đối với vấn đề này. Họ cho rằng ngày 6-1 sẽ là thời điểm thích hợp để đưa ra các cáo buộc của ông Trump.
Kêu gọi chiến thắng thuộc về ông Joe Biden
Ngày 3-1, các Thượng nghị sĩ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ra tuyên bố chung kêu gọi Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11-2020 với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden.
Tuyên bố chung nhấn mạnh đây là thời điểm Quốc hội cần hoàn thành trách nhiệm chứng nhận các kết quả bầu cử. Tuyên bố chung này đã được 4 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ký gồm Susan Collins, Lisa Murkowski, Bill Cassidy và Mitt Romney. Bên phía đảng Dân chủ có các Thượng nghị sĩ Joe Manchin, Mark Warner, Jeanne Shaheen, Maggie Hassan và Dick Durban. Ngoài ra, còn có một Thượng nghị sĩ độc lập cũng ký vào tuyên bố chung là Augus King.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell kêu gọi các đảng viên Cộng hòa không ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả bầu cử và khẳng định điều đó "không phải lợi ích tốt nhất của mọi người". Ông McConnell đã công nhận Joe Biden là Tổng thống đắc cử. Hạ nghị sĩ Liz Cheney cho rằng, động thái “lật kèo” có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và gieo rắc nghi ngờ vào nền dân chủ. "Sự phản đối như vậy sẽ đặt ra tiền lệ vô cùng nguy hiểm, có thể đánh cắp trách nhiệm của các bang trong việc lựa chọn tổng thống và thay vào đó lại trao quyền này cho quốc hội. Điều này hoàn toàn trái ngược với hiến pháp và niềm tin cốt lõi của chúng ta", Cheney khẳng định.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris đã lên tiếng chỉ trích cuộc điện thoại của ông Trump với ông Raffensperger nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tại bang này. Bà Harris đã gọi đây là hành động "lạm dụng quyền lực" của một tổng thống Mỹ.
Cũng trong ngày 3-1, nhiều cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong đó có 2 người từng được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã cảnh báo rằng quân đội Mỹ không nên tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực. Các cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng tất cả các khiếu nại pháp lý đối với kết quả bầu cử tổng thống đã bị tòa án bác bỏ và các lá phiếu đã được các thống đốc bang chứng nhận. Chính vì vậy, đã đến lúc để chính thức xác nhận các lá phiếu của Đại cử tri đoàn.
Ngoài ra, họ cũng kêu gọi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và tất cả các quan chức Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden "một cách đầy đủ, hợp tác và minh bạch", đồng thời kiềm chế mọi hành động chính trị làm suy yếu kết quả của cuộc bầu cử hoặc cản trở sự thành công của chính quyền mới.
Theo kế hoạch, ngày 6-1 Quốc hội Mỹ do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì sẽ nhóm họp để kiểm phiếu bầu của cử tri đoàn và chính thức công bố Tổng thống mới của nước Mỹ. Đây là bước thủ tục cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
AN BÌNH
Thủ đô Washington phát cảnh báo người dân Trong bối cảnh những người ủng hộ Tổng thống Trump dự kiến sẽ biểu tình trong hai ngày 5, 6-1, Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser đã ra thông báo yêu cầu người dân trong khu vực tránh xa khu vực trung tâm của thủ đô. “Tôi yêu cầu người dân thủ đô cũng như những người sống trong khu vực tránh xa trung tâm trong ngày 5, 6-1 và không nhập vào đoàn người biểu tình đến thành phố của chúng ta để tìm kiếm sự đối đầu”, đồng thời cam kết sẽ làm tất cả mọi thứ để đảm bảo cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Trước đó, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Trump đã khuyến khích những người ủng hộ ông tham gia biểu tình ở thủ đô Washington vào ngày 6-1 nhằm phản đối kết quả bầu cử. ----------- Lễ nhậm chức của ông Biden không có diễu hành Vào ngày nhậm chức 20-1 tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ không tiến hành màn diễu hành rầm rộ theo nghi lễ truyền thống sau khi tuyên thệ tại Điện Capitol. Theo đó, sau khi làm lễ tuyên thệ tại sảnh Tây của Điện Capitol vào trưa 20-1, ông Joe Biden và phu nhân Jill Biden sẽ được hộ tống bởi một đoàn xe gồm đại diện các lực lượng quân đội Mỹ. Việc giảm quy mô lễ nhậm chức là một phần trong hàng hoạt giải pháp mà đội ngũ nhân viên của Tổng thống Mỹ đắc cử Biden thực hiện để đối phó với Covid-19. Để thay cho cuộc diễu hành truyền thống, một cuộc “diễu hành ảo” sẽ được phát sóng trên truyền hình. Sau lễ tuyên thệ, ông Biden và phu nhân cùng bà Harris và phu quân sẽ tham dự nghi lễ “Pass in Review” tại sảnh tây cùng với các thành viên quân đội. Đây là nghi lễ quân đội truyền thống thể hiện việc chuyển giao quyền lực hòa bình cho một vị tổng tư lệnh mới. |