Báo Công An Đà Nẵng

Bầu cử Quốc hội Pháp: Sự trỗi dậy bất ngờ của cánh tả

Thứ ba, 09/07/2024 10:10
Tổng thống Macron và Phu nhân Brigitte Macron bỏ phiếu bầu cử Quốc hội vòng 2 hôm 7-7. Ảnh: AFP

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngay sau bầu cử do Bộ Nội vụ Pháp công bố, với từ 178 đến 205 đại biểu, liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã giành vị trí đứng đầu. Phe của Tổng thống Emmanuel Macron tuy mất đa số tương đối nhưng vẫn về vị trí thứ hai với từ 157 đến 174 ghế. Một bất ngờ lớn là mặc dù đã giành vị trí đứng đầu ở vòng 1 với gần 34% phiếu bầu, song đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) chỉ về vị trí thứ 3 tại vòng 2 với từ 113 đến 148 ghế, không còn cơ hội nắm chính phủ. Kết quả kiểm phiếu khẳng định không có khối chính trị nào giành được ít nhất 289 ghế để tạo thành đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp. Tuy vậy, với thắng lợi hoàn toàn bất ngờ, NFP sẽ trở thành lực lượng chính trị lớn nhất tại Quốc hội khóa mới.

Giới quan sát nhận định kết quả này là một sự bất ngờ lớn đối với những người ủng hộ RN cực hữu của bà Marine Le Pen. Trước đó hôm 1-7, Bộ Nội vụ Pháp thông báo Đảng RN đã giành chiến thắng tại vòng bỏ phiếu Quốc hội đầu tiên. Kết quả không lường trước được khiến các lá bài bị xáo trộn, buộc Điện Élysée phải xem lại các kịch bản của mình. Với số ghế đạt được ít hơn nhiều so với trước, phe đa số của Tổng thống Macron đã chính thức trở thành phe thiểu số. Nhiều cử tri Pháp đã không thay đổi quyết định tiếp tục bỏ phiếu trừng phạt ông trong vòng hai, khiến kế hoạch thu hút trở lại các cử tri của khối trung dung thất bại. Nhiệm vụ cấp bách của Tổng thống Macron là phải nhanh chóng quên đi thất bại do chính mình gây ra để giải quyết một bài toán hóc búa là kế hoạch "sống chung" như thế nào trong những tháng tới. Cho đến nay, giới quan sát vẫn chưa biết Tổng thống Macron sẽ lựa chọn chung sống theo giải pháp nào nhưng chắc chắn rằng mọi kịch bản đều không hứa hẹn những điều tốt lành đối với ông.

Một chủ đề tranh luận sôi nổi đã xuất hiện ở Pháp liên quan đến số phận chính trị trực tiếp của Tổng thống Emmanuel Macron. Nhà bình luận Pierre Mazeaud, cựu Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp, cho rằng cuộc bầu cử có thể đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của ông Macron. Nếu không chiếm được đa số tại Quốc hội, Tổng thống Macron sẽ gặp nhiều khó khăn để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của mình - vì ông cần có sự ủng hộ của các nhà lập pháp để thực hiện các chính sách đề ra.

Đám đông biểu tình và cả những người ủng hộ liên minh cánh tả Pháp tối 7-7 đồng loạt đổ ra đường phố thủ đô Paris (Pháp) trước thông tin liên minh cánh tả đang dẫn trước trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Các đoạn video trên mạng xã hội ghi lại những đống lửa rực cháy trên đường phố thủ đô Paris khi chính quyền và cảnh sát đối đầu trực tiếp với người biểu tình. Những người biểu tình cũng ném bom xăng xuống đường và kích nổ bom khói. Cảnh sát Paris đã phun hơi cay vào đám đông biểu tình và bắt giữ những người có hành vi quá khích. Trong khi đó đám đông ủng hộ liên minh cánh tả cũng đốt pháo sáng, hò reo để ăn mừng chiến thắng, gây ra khung cảnh hỗn loạn tại quảng trường République.

Trong một diễn biến khác, Báo Le Monde đưa tin, cuối ngày 7-7, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal thông báo, ông sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron sau khi liên minh đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội cuối tuần qua. "Trở thành thủ tướng là vinh dự cả đời tôi. Nhưng vì liên minh đảng không giành được thế đa số trong quốc hội, tôi sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống vào sáng mai (8-7)", ông Attal thông báo. Theo Điện Élysée, Macron sẽ đợi cho đến khi quốc hội mới hoàn tất nhân sự, ông mới đưa ra những quyết định cần thiết. Điều đó có nghĩa là ông Attal có thể tại vị trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

T.N