Báo Công An Đà Nẵng

Bầu cử tổng thống Pháp: “Cuộc chiến” cuối cùng trên truyền hình

Thứ sáu, 05/05/2017 09:00

(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, “cuộc chiến” cuối cùng giữa hai ứng viên Emmanuel Macron thuộc đảng Tiến lên! và Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu không phá vỡ thế trận bầu cử vào ngày 7-5 tới bởi cử tri Pháp hầu hết đã có quyết định cuối cùng.

Cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm bầu cử vòng hai diễn ra vào tối 3-5 (sáng 4-5, giờ Việt Nam) giữa hai ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen bị đốt cháy bởi những lần khẩu chiến gay gắt. Ứng viên số 1 Macron và đối thủ Le Pen đụng độ nhau về nhiều vấn đề từ khủng bố, kinh tế đến mối quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Macron được cho đứng trước cơ hội lớn trở thành tổng thống trẻ nhất
trong lịch sử nước Pháp. Ảnh: Reuters

KHẨU CHIẾN GAY GẮT

Cuộc tranh luận bắt đầu lúc 21 giờ (giờ địa phương) dưới sự dẫn dắt của nhà báo Nathalie Saint-Cricq của đài France 2 và Christophe Jakubyszyn của đài TF1.

Cuộc đấu tay đôi trước ngày bầu cử được mệnh danh là cuộc đối đầu giữa lời kêu gọi của ông Macron về sự cởi mở và cải cách thị trường cùng với chủ nghĩa dân tộc cựu hữu của bà Le Pen. Giọng điệu cuộc tranh luận được thiết lập ngay trong những phút mở đầu, với việc bà Le Pen xây dựng thương hiệu của một cựu bộ trưởng kinh tế và “ứng viên của tầng lớp thượng lưu” và liên tiếp chĩa mũi dùi vào ông Macron. Ông Macron đáp trả, chỉ trích bà Le Pen là “người thừa kế hệ thống đã thịnh vượng từ cơn thịnh nộ của người Pháp trong nhiều thập kỷ qua”, nhấn mạnh, “bà ấy đang đùa với sự sợ hãi”.

Trong mối quan hệ với EU, bà Le Pen tuyên bố sẽ từ bỏ liên minh này và nỗ lực thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Nga. Trong khi đó, ông Macron, một nhà chính trị ủng hộ EU, ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Châu Âu và cho rằng, Pháp nên làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư. Cả hai cũng phơi bày những quan điểm khác nhau về quan hệ ngoại giao với Nga và Mỹ. Bà Le Pen gọi Nga là “quốc gia vĩ đại” và nói rằng “không có lý do gì để bùng nổ Chiến tranh Lạnh” một lần nữa”. Trong khi đó, ông Macron tuyên bố sẵn sàng làm việc với cả Nga và Mỹ về nhiều vấn đề như xung đột Syria nhưng nhấn mạnh, “Tôi sẽ không chấp nhận hành động của Tổng thống Nga, và đó là sự khác biệt với bà Le Pen”. Ông Macron xem Mỹ là một đối tác hoàn hảo về một số vấn đề khu vực.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Macron cho rằng, Pháp cần phải nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước EU nhưng bà Le Pen lại phản đối điều này. “Mong muốn lớn nhất những nhóm khủng bố cực đoan là nhìn thấy bà Le Pen cầm quyền”, ông Marcon khẳng định. Đáp lại, bà Le Pen chỉ trích ông Macron không đưa ra được đường lối bảo vệ an ninh và chống khủng bố.

LỢI THẾ CHO ÔNG MACRON

Đây là lần đầu tiên không có ứng viên của hai đảng lớn cánh tả và cánh hữu tham gia cuộc tranh luận truyền thống trước vòng bầu cử lần 2 như thế này. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Pháp có ứng viên đảng FN tham gia tranh luận. Năm 2002, cha của bà Le Pen và là người sáng lập đảng FN mất cơ hội tranh luận với ứng viên Jacques Chirac sau khi vị tổng thống tương lai từ chối xuất hiện trên sân khấu với ông này, trích dẫn quan điểm cực đoan của đối phương.

Trong cuộc đua đó, ông Chirac đã chiến thắng. Và lịch sử có thể sẽ lặp lại. Các cuộc thăm dò cho thấy, ông Macron sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng bóng ma về việc tẩy chay bỏ phiếu tập thể vẫn còn đó. Giới chuyên gia và truyền thông Pháp cũng đánh giá, ông Macron chiếm ưu thế hơn so với đối thủ vì “biết làm chủ cuộc chơi”.

Tuy nhiên, điều đó xem ra không thay đổi gì nhiều cán cân cuộc chiến hiện nay bởi thời điểm này, cử tri Pháp hầu hết đã có quyết định cuối cùng.

Khả Anh