Bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Chiến thắng "siêu quyền lực" cho ông Erdogan
Theo Hãng thông tấn nhà nước Anadolu, với 97,9% số phiếu được kiểm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giành được 52,5% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống, giành chiến thắng cách biệt so với đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), chỉ giành được 31,5%. Chiến thắng này giúp ông Erdogan vượt qua thách thức lớn nhất để kéo dài thời gian cầm quyền thêm 5 năm.
Những người ủng hộ ông Erdogan và đảng AKP ăn mừng trên đường phố Istanbul. Ảnh: Getty Images |
Trong cuộc bầu cử Quốc hội, đảng Công lý và Phát triển (AKP) nhận được 42,4% phiếu bầu, trong khi đó, CHP nhận được 22,7% phiếu bầu, đảng Phong trào Dân tộc (MHP) giành được 11% số phiếu ủng hộ, Đảng HDP có quan điểm ủng hộ người Kurd giành được 11% số phiếu, cao hơn mức 10% tối thiểu cần thiết để giành được ghế trong Quốc hội. Còn đảng Tốt đẹp (Iyi) chỉ giành được 10% số phiếu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu lên tới 90% trong cả 2 cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất tại nước này trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều hoạt động ăn mừng đã diễn ra bên ngoài dinh thự của ông Erdogan ở Istanbul và trụ sở AKP tại Ankara. Đám đông người ủng hộ vẫy cờ và hò hét cuồng nhiệt thể hiện sự vui mừng. Tại Istanbul, thành phố lớn nhất đất nước, những chiếc xe trên đường phố và những chiếc thuyền đậu trên eo biển Bosporus bóp còi và bắn pháo hoa thắp sáng bầu trời. Emine Kilic, một người ủng hộ ông Erdogan, cho biết cô rất hài lòng với kết quả này.
Việc đảng cầm quyền của ông Erdogan cùng liên minh đối tác MHP giành được số phiếu quá bán trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là ưu thế lớn đối với ông Erdogan. Với thế đa số ổn định của liên minh này trong Quốc hội, ông Erdogan có thể dễ dàng thông qua các chính sách. "Kết quả không chính thức của cuộc bầu cử đã rõ. Theo kết quả này... tôi đã được đất nước tin tưởng giao phó nhiệm vụ và trọng trách tổng thống… Từ ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc để hiện thực hóa những cam kết với người dân Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nói với những người ủng hộ trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng từ trên ban công trụ sở AKP tại Ankara lúc hơn 3 giờ ngày 25-6.
Ông cũng cam kết, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hành động kiên quyết hơn để chống các tổ chức khủng bố, chiến dịch vốn được thực hiện từ sau âm mưu đảo chính bất thành cách đây 2 năm. Ông Erdogan cũng tuyên bố: các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục "giải phóng các vùng đất Syria" để 3,5 triệu người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về nhà an toàn.
Theo Hiến pháp mới, chiến thắng bầu cử lần này giúp ông Erdogan trở thành một "siêu" tổng thống cả về quyền lực và thời gian tại vị. Một nhiệm kỳ Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo dài 5 năm và được tái cử 1 lần. Như vậy, trên lý thuyết, ông Erdogan vẫn có thể tái tranh cử sau nhiệm kỳ tổng thống mà ông vừa giành được trong cuộc bầu cử ngày 24-6.
Ông Erdogan sẽ là người đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước theo hiến pháp mới, được thông qua vào năm 2017 với sửa đổi bãi bỏ chức thủ tướng và tổng thống có thêm nhiều quyền lực hơn, gồm quyền trực tiếp bổ nhiệm các quan chức cấp cao và can thiệp vào hệ thống pháp lý. Theo đó, kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24-6, chức danh thủ tướng sẽ bị xóa bỏ và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng trong nội các. Tổng thống cũng được bổ nhiệm 12/15 thành viên của Tòa Hiến pháp và 6/13 thành viên của Hội đồng thượng thẩm.
Tổng thống có quyền ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp mà không cần sự đồng ý trước của Quốc hội. Ngoài ra, Tổng thống có thể điều hành toàn bộ quốc gia bằng các sắc lệnh song song với các luật do Nghị viện soạn thảo và ban hành. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, Tổng thống cũng chỉ có thể bị miễn nhiệm nếu có 3/5 số nghị sĩ tán thành.
AN BÌNH
4 người Đức bị bắt trong cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ Reuters ngày 25-6 đưa tin: 4 công dân Đức đã bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 24-6. Sau đó, một người trong số đó đã được trả tự do. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, bà Maria Adebahr ngày 25-6 cho biết: "Tôi có thể xác nhận rằng... 3 công dân Đức đã bị bắt giữ. Tôi không thể xác nhận đây là các quan sát viên của cuộc bầu cử, với tư cách là thành viên của phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE)". Ngoài ra, đại diện Bộ Ngoại giao Đức thông báo, công dân người Đức thứ 4, là một nữ doanh nhân, đã được trả tự do và không bị cấm rời khỏi đất nước. |