Báo Công An Đà Nẵng

Báu vật trên đỉnh Ngọc Linh

Thứ hai, 05/09/2016 09:10

(Cadn.com.vn) - Củ ngải rọm con, trút tiết nhân sâm, sâm K5, sâm Việt Nam hay cây thuốc giấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh... đều là tên gọi của một trong 5 loài nhân sâm quý nhất thế giới: sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, ít ai biết được hành trình tìm và đưa loài sâm quý sắp trở thành thương phẩm đã trải dài gần nửa thế kỷ qua.

Nhân sâm Ngọc Linh – thực vật đặc hữu chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh
thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Hành trình đi tìm cây “thuốc giấu”

Cuối năm 1970, đoàn công tác điều tra về cây thuốc miền Trung bị Mỹ càn quét ở Phù Cát (Bình Định), hy sinh toàn bộ, nên Vụ 1, Bộ Y tế muốn tìm người thay thế. Lúc ấy, dược sĩ (DS) Đào Kim Long, 30 tuổi, đang là giảng viên dạy thực vật và dược liệu tại Trường Đại học Dược khoa Hà Nội (nay là Đại học Dược Hà Nội) có năng lực tốt về bộ môn thực vật, nên được cử vào miền Trung, lập đoàn công tác mới để điều tra về cây thuốc. Nhận nhiệm vụ, chàng trai Đào Kim Long hăm hở lên đường. Từ Hòa Bình, đoàn vượt qua Bắc Trường Sơn, đi tận vào Tây Trường Sơn, qua tất cả các đỉnh cao, dốc núi, rừng thẳm để tìm cây thuốc. Những cây thuốc quý, những loài thực vật chưa từng được biết đến cuốn hút ông, đưa bước chân ông vào đến tận Ngã ba Đông Dương ở Tây Nguyên. Kết thúc cuộc hành trình dọc Bắc Trường Sơn, đến tận Tây Trường Sơn, ông điều tra được tổng cộng 400 loài thảo dược quý và mới. Chuyến đi kéo dài 3 năm đã hoàn thành, nhưng ông không xin ra Bắc, mà xin Ban Dân y của Quân Khu 5 cho tiếp tục điều tra ở Đông Trường Sơn, xuống các vùng Thăng Bình (Quảng Nam), Hoài Ân, Hoài Sơn (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi). Sau 3 năm lăn lộn ở vùng Đông Trường Sơn, ông chép thêm được 400 loài thảo dược nữa vào nhật ký hành trình, nâng tổng số loài thảo dược mà ông nghiên cứu lên đến 800 loài. Cuối năm 1972, DS Đào Kim Long cùng một số cộng sự đến vùng đất Kon Tum và lên kế hoạch đi tìm Nhân sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Việc tìm cây Nhân sâm thời điểm đó càng thôi thúc ông hơn bởi đó được xem như là thứ thần dược để chữa bệnh, bồi bổ cho quân đội, thương bệnh binh. Thế nhưng, sau nhiều ngày lang thang giữa rừng già Ngọc Linh, cây nhân sâm vẫn bí ẩn như cánh rừng này. Sau 1 tháng giữa đại ngàn, vạch từng gốc cây, vượt từng vách núi cheo leo, đối mặt với vắt, thú dữ mà vẫn chưa tìm được cây thuốc quý.

Ngày 18-3-1973, khi đang ở độ cao 1.800m (sau này xác định khu vực này tiếp giáp 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), các nhu yếu phẩm đã dần cạn kiệt, đoàn đang tính đường quay về thì bất ngờ khi đi dọc một con suối, Nguyễn Châu Giang, học trò của ông cầm đến 1 thân cây đủ lá, hoa hỏi thầy. “Nhìn thân cây mềm xanh mướt với 5 lá hình mác, cụm hoa màu lục vàng, tôi bàng hoàng hỏi: “Em ngắt ngọn cây này ở đâu?”, Giang dẫn tôi quay lại độ mươi bước chân và thế là chúng tôi đã gặp được cây Nhân sâm đầu tiên trên núi Ngọc Linh. Lúc đó là 9 giờ ngày 18-3-1973...”. Tìm thấy “báu vật”, DS Đỗ Kim Long  say sưa thu thập mẫu, ép tiêu bản, ghi chép và chụp ảnh. Càng lên cao, khi gặp cả một thảm rừng Nhân sâm dày đặc, xanh tốt, nở hoa thơm ngát thu hút lũ ong đến lấy mật... ông biết đã chạm chân đến trung tâm của vùng sâm Ngọc Linh... Thế là ông quyết định dựng nhà tăng ngay bên suối, ở lại tiếp tục nghiên cứu. Lương thực cạn kiệt, 15 ngày sau đó, đoàn của ông sống bằng rau rừng, chắt nước từ củ Nhân sâm, khoai lang rừng và mật ong, nhộng ong làm tổ quanh quần thể Nhân sâm này. Cũng từ đây, hàng loạt ghi chép về đất đai, khí hậu, vùng khí hậu, đặc điểm sinh thái, di cư và phát tán... của sâm Ngọc Linh của DS Đào Kim Long cùng các cộng sự đã trở thành tiền đề nghiên cứu, tìm hiểu của loài danh thảo nổi tiếng toàn thế giới này. Đoàn đã gọi cây “Sâm đốt trúc” và sơ bộ xác định tên khoa học của nó là Panax articulatus L., họ Nhân sâm (Araliaceae). Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: “Đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới”.

 Sau khi sâm được phát hiện, Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Đến năm 1985, trên cơ sở tiêu bản mẫu chuẩn (typus) và các số liệu thực vật học của Trung tâm Sâm Việt Nam cung cấp, Tiến sĩ Hà Thị Dụng và Giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam, được công bố tại Viện Thực vật Kamarov (Liên Xô cũ) năm 1985.

Công nhân làm đất, ươm hạt sâm Ngọc Linh.

Bảo tồn và phát triển "báu vật"

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, trên thị trường, giá sâm Ngọc Linh còn đắt hơn cả sâm Triều Tiên nhiều lần. Theo Dược sĩ Đào Kim Long thì ngay cả dân Hàn Quốc, Nhật Bản, xứ sở của sâm, cũng qua đây tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh. Việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến cho vùng sâm tự nhiên giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cạn kiệt. Đến năm 2005, coi như sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên đã không còn nữa.

Vườn sâm giống của Cty TNHH MTV LN Đăk Tô ở độ cao 2.000m so với mực nước biển.

Năm 1999, Cty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk TôCty được giao toàn bộ diện tích của Xí nghiệp Dược Kon Tum với diện tích vườn sâm giống nhỏ nhoi, chất lượng kém để tiếp tục thực hiện dự án quản lý bảo vệ vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh tự nhiên. Sau khi thị sát địa lý, độ cao, khí hậu, Cty đã di dời toàn bộ vườn sâm giống với nguồn gen quý hiếm lên độ cao hơn 2.000m. Đồng thời, Cty đã tìm mua sâm cư và hạt sâm tự nhiên của người dân đi thu lượm trong rừng về để trồng và gieo ươm nhân giống. Ông Hoàng Văn Chất, Phó Giám đốc Cty cho biết, đến nay Cty đã có 13ha vườn sâm giống và tiếp tục nhân giống thêm. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về cây sâm Ngọc Linh để giữ nguyên nguồn gen gốc.

Cùng với Cty TNHH MTV LN Đăk Tô, Cty CP sâm Ngọc Linh cũng đã bảo tồn và phát triển khoảng 300ha sâm Ngọc Linh với nhiều hình thức khác nhau. Ông Trần Văn Hảo, Phó Chủ tịch HĐQT Cty CP sâm Ngọc Linh cho biết: “Tiếp tục phát triển cây sâm Ngọc Linh, chủ trương mở rộng vườn sâm của Cty đã được sự quan tâm của UBND tỉnh Kon Tum, trong đó giao cho Cty hơn 5.000ha vừa để quản lý bảo vệ rừng, vừa trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Với hình thức Cty vừa mở rộng vừa liên doanh, liên kết với toàn bộ tất cả hộ dân trên những xã có thể trồng sâm Ngọc Linh”. Hiện Cty đã triển khai được toàn bộ trên địa bàn xã Măng Ri  và xã Ngọc Lây của tỉnh Kon Tum bằng hình thức Cty cấp giống cho người dân trồng. Sau này, khi thu hoạch, bà con sẽ được hưởng thành quả cùng với Cty. Tuy nhiên, do người dân thường thu hoạch sâm non khiến công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen gốc cây sâm Ngọc Linh gặp khó khăn nên Cty cấp giống cho người dân trồng dưới sự bảo vệ, quản lý của Cty. Đến nay, nhiều người dân ở địa bàn các xã đã trở thành tỷ phú khi tham gia vào dự án bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh của Cty.

Minh Tân

UBND tỉnh Kon Tum đã công bố qui hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, diện tích quy hoạch hơn 31.700 ha, diện tích có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh trong khu vực vùng lõi khoảng gần 17.000 ha (thuộc 3 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp – H. Đăk Glei và 5 xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi – H. Tu Mơ Rông). Đặc biệt, các thương phẩm của loài thảo dược quý này sẽ ra thị trường cung cấp cho người dân trong thời gian tới khi tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vừa được cấp giấy chứng nhận địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.