Báo Công An Đà Nẵng

“Bẫy” lừa đảo thời công nghệ cao (Bài cuối: Cần tỉnh táo để tránh”bẫy” lừa)

Thứ tư, 19/06/2019 13:08

Một điều tra viên CAQ Thanh Khê cho hay, thời gian qua đã có rất nhiều người dân mắc lừa khi đối tượng giả làm người nước ngoài gửi quà tặng hoặc giả đơn vị tổ chức khuyễn mãi “khủng” và chúng có sự câu kết, móc nối để đánh vào sự cả tin, lòng tham và tình cảm của phụ nữ để thực hiện các chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có thể thấy, trong những vụ việc này, đối tượng không phải là 1 người, mà có thể có yếu tố băng nhóm và yếu tố nước ngoài.

Lực lượng CSKT CATP Đà Nẵng áp giải đối tượng lừa đảo CNC về nơi làm việc.

Liên quan những vụ lừa đảo kiểu này, bản thân anh N.V.T., (1986, trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng “dính” một vố khá đau. Đó là, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-5-2019, khi anh đang ở nhà thì nhận được một tin nhắn từ Facebook gửi đến có nội dung thông báo anh trúng thưởng 1 xe SH 150i và 200 triệu đồng tiền mặt. Đồng thời yêu cầu anh truy cập vào một địa chỉ có sẵn để xác nhận. Khi truy cập, anh nhận được hướng dẫn nộp thẻ cào điện thoại trị giá 3 triệu đồng. Nạp xong thì số điện thoại 05888777... gọi đến yêu cầu anh nộp số tiền 101.700.000 đồng vào tài khoản 06021440... của Nguyễn Bá Toan tại Châu Thành, Kiên Giang để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Sau đó, anh T.đến ngân hàng chuyển tiền thì nhận được thông báo đến địa chỉ 132-Trần Cao Vân (Đà Nẵng) nhận thưởng. Chiều 30-5-2019, anh T., đến ngay địa chỉ trên thì mới tá hỏa khi chủ nhà cho biết, ở đây không biết gì cả và cũng không có giải thưởng gì như anh nói. Đến lúc đó, anh T., mới biết mình đã lừa nên đến cơ quan CA trình báo mọi việc.

Từ những câu chuyện nói trên, Trung tá Nguyễn Bá Việt cho biết thêm, các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên Bưu điện sử dụng giao thức kết nối Internet (VoIP) để giả các đầu số, giống số điện thoại của cơ quan Công an như: +000113, +84000113; +00130000,... gọi đến số máy bàn cố định của người dân giả danh xưng là Điều tra viên của Bộ Công an đang điều tra vụ án buôn bán ma túy lớn và rửa tiền. Đối tượng trong vụ án có khai sử dụng số CMND của người dân để đăng ký mở tài khoản ngân hàng, dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội có liên quan đến vụ án mà Cơ quan Công an đang điều tra. Để chứng minh mình trong sạch, đối tượng yêu cầu người dân khai báo tài sản với lý do phục vụ cho công tác điều tra, đồng thời yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng lập, quá trình điều tra xác minh nếu không có liên quan đến tội phạm thì sẽ trả lại tiền.

Hoặc thủ đoạn dụ dỗ người dân góp vốn để mua giải độc đắc Vietlot; sử dụng điện thoại giả làm nhân viên Ngân hàng hoặc Công an gọi điện thông báo người dân đã trúng thưởng chương trình tri ân khách hàng, yêu cầu người dân nạp card để thanh toán lệ phí nhận giải. Đặc biệt là thủ đoạn giả làm người nước ngoài (hoặc cấu kết với người nước ngoài) kết bạn trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber,...) với phụ nữ, sau đó hứa sẽ chuyển tặng tiền, vàng, trang sức từ nước ngoài về cho bị hại, đồng thời yêu cầu bị hại chuyển tiền vào TK cho đối tượng để thanh toán phí Hải quan trước khi nhận được quà. Hoặc làm giả TK Facebook để bán hàng, hoặc bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người dân,…Với những thủ đoạn tinh vi nêu trên, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Một số chuyên gia trong ngành CNTT am hiểu về lĩnh vực này nói rõ hơn. Họ cho biết, hình thức mà các đối tượng lừa đảo áp dụng đó là gọi điện đến một số điện thoại bàn, khi chủ thuê bao nhấc máy, hệ thống sẽ tự động bật hộp thư thoại với nội dung thông báo chủ thuê bao đang nợ số tiền cước phí từ 8 đến 9 triệu đồng và nếu không thanh toán ngay trong 2 giờ thì số thuê bao sẽ bị cắt liên lạc. Đặc biệt, thủ phạm còn “tinh vi” khi yêu cầu người dùng bấm một phím nào đó (số 9 hoặc số 0) để nghe lại nội dung vừa thông báo nếu chưa nghe rõ. Một số người dùng vì quá ngạc nhiên trước thông báo kể trên đã thử làm theo yêu cầu thì được gặp một người khác tự xưng là nhân viên nhà mạng và khẳng định lại thông tin khách hàng chưa thanh toán cước phí là đúng và yêu cầu khách hàng thanh toán, đồng thời yêu cầu thanh toán số tiền trên bằng nhiều hình thức khác nhau hoặc yêu cầu gọi đến số điện thoại của một tổng đài khác. Khi gọi vào số điện thoại tổng đài tự động này sẽ phát sinh cước phí và số tiền cước phí này sẽ được chuyển vào tài khoản của thủ phạm đứng đằng sau hình thức lừa đảo này. Thực tế những số điện thoại này là những đầu số tổng đài tự động hoặc sử dụng hình thức gọi điện qua giao thức Internet (Voip) để mạo danh số điện thoại cũng như che giấu tung tích thực sự của thủ phạm đứng sau hình thức lừa đảo này.

Ngoài ra, đối tượng cũng sử dụng cách tương tự để mạo danh cơ quan điều tra, yêu cầu chủ thuê bao phải khai báo thông tin cá nhân, gồm họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân... nhằm mục đích chiếm đoạt thông tin cá nhân. Thậm chí còn đe dọa và yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra vì nạn nhân có liên quan đến một vụ án hình sự. Không ít người nhẹ dạ cả tin sau khi nghe đe dọa đã phải thực hiện theo và số tiền bị chiếm đoạt là không hề nhỏ. Vì thế, người dùng nên cảnh giác với những hình thức lừa đảo tương tự, bình tĩnh và liên hệ với văn phòng của nhà mạng hoặc cơ quan công an gần nhất để xác nhận lại thông tin, đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân khi được yêu cầu cũng như không thực hiện theo các yêu cầu từ những cuộc gọi này vì rất có thể thủ phạm sẽ lừa người dùng gọi vào các tổng đài tự động thu phí.

Trao đổi với người viết, Thượng tá Trần Văn Tám, Trưởng CAQ Thanh Khê, TP Đà Nẵng cũng khẳng định,. “Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia phòng ngừa và tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân; chúng tôi đã đề nghị Đội Xây dựng phong trào và Quản lý BVDP và Công an 10 phường trên địa bàn tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến người dân, đồng thời vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, nhanh chóng trình báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết ngay sau khi có sự việc xảy ra”.

PHƯƠNG KIẾM