"Bẫy việt vị"... người lao động!
(Cadn.com.vn) - Chỗ mô mà "chơi khó" vậy Tư tài xế?
- Hãng Taxi Hoàng Anh (thuộc Chi nhánh Cty cổ phần Vận tải biển Quốc tế Trường Sa), trụ sở tại P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn (Quảng Nam).
- Sự thể ra răng?
- Do một số người lao động của hãng taxi thắc mắc về việc không được tham gia các loại bảo hiểm nên cuối tháng 9-2015, Tập đoàn Hoàng Anh (tức taxi Hoàng Anh) chi nhánh TX Điện Bàn tổ chức họp toàn thể nhân viên, lái xe. Trong cuộc họp này, lãnh đạo tập đoàn đã thông báo cho một số lao động đã "dám" nhắc nhở chuyện bảo hiểm... được nghỉ việc.
- Ơ lý do chi mà ngộ rứa?
- Người lao động cũng đề nghị được nêu ý kiến nhưng lãnh đạo tập đoàn từ chối và tuyên bố kết thúc cuộc họp. Kết quả, hơn 10 nhân viên thuộc bộ phận văn phòng và điều hành bị cho thôi việc. Bức xúc, những nhân viên này gặp lãnh đạo tập đoàn hỏi nguyên nhân thì mới hay bị đuổi việc vì... dám tự ý rời bỏ cuộc họp.
- Sau đó thế nào?
- Ngày 7-10, lãnh đạo tập đoàn yêu cầu số nhân viên bị sa thải đến nhận chế độ nghỉ việc với điều kiện phải đồng ý ký vào hợp đồng sa thải vì tự ý rời bỏ cuộc họp. Bị dồn vào thế khó, các nhân viên này đã yêu cầu được giải quyết thanh lý hợp đồng một cách hợp lý.
- Tìm hiểu vụ việc, trao đổi với Bề Tui, ông Vũ Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh cho rằng: Do không đồng ý với một số nội dung trong cuộc họp nội bộ, những nhân viên này đã tự ý rời cuộc họp và lôi kéo tài xế đình công, bỏ việc gây thiệt hại lớn cho tập đoàn. Do đó, tập đoàn phải ra quyết định sa thải số nhân viên này.
Qua sự việc trên, Bề Tui thiển nghĩ, đối với người lao động, nếu thấy quyền lợi chính đáng không được đảm bảo thì nên có các đề đạt nguyện vọng phù hợp, tránh việc làm bột phát để rồi ảnh hưởng đến chính mình. Đối với Tập đoàn Hoàng Anh cần lắng nghe ý kiến của người lao động để có hướng giải quyết một cách thấu tình đạt lý, hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động.
Các nhân viên bị sa thải tập trung trước trụ sở Tập đoàn Hoàng Anh để đòi quyền lợi. |
Bề Tui