Báo Công An Đà Nẵng

Bê bối Petrobras tiếp tục nhấn chìm Brazil

Thứ tư, 25/05/2016 08:52

(Cadn.com.vn) - Chính phủ tạm quyền của Tổng thống Michel Temer đối mặt với khủng hoảng lớn đầu tiên khi một bộ trưởng quan trọng tuyên bố sẽ rời khỏi nội các vì lộ âm mưu lật đổ nhà lãnh đạo Dilma Rousseff.

Người biểu tình tiếp tục xuống đường đòi Tổng thống tạm quyền Temer từ chức. Ảnh: AFP

Chính trường Brazil lại chấn động khi ngày 24-5, Bộ trưởng Kế hoạch Romero Juca trong nội các mới hơn 10 ngày tuổi của Tổng thống tạm quyền Michel Temer đã tuyên bố sẽ “bước sang một bên” sau khi đoạn băng bị rò rỉ cho thấy ông này âm mưu lật đổ Tổng thống bị đình chỉ Dilma Rousseff.

Reuters dẫn nguồn từ báo Folha de Sao Paulo của Brazil cho biết, Bộ trưởng Juca đã âm thầm thực hiện kế hoạch lật đổ bà Rousseff nhằm ngăn cản tiến trình điều tra bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Nội dung đoạn băng, được tờ báo đăng tải cho thấy, ông Juca thảo luận chi tiết với ông Sergio Machado, cựu Chủ tịch Cty Transpetro thuộc Petrobras, cách sử dụng việc luận tội bà Rousseff để ngăn cản cuộc điều tra tham nhũng.

Trong đoạn băng, được ghi âm chỉ vài ngày trước khi Hạ viện Brazil bỏ phiếu về việc luận tội bà Rousseff hôm 17-4, ông Juca nói về một “hiệp ước quốc gia” giúp đình chỉ chiến dịch điều tra quy mô lớn mang tên “Chiến dịch rửa xe” vốn đã khiến hàng chục chính trị gia hàng đầu và hàng chục doanh nhân “ngã ngựa”. Theo vị bộ trưởng này, cần phải “hợp tác” kể cả với cơ quan tư pháp để chấm dứt ngay các cuộc điều tra tham nhũng và giải pháp cho kế hoạch này là phế truất bà Rousseff. “Chúng ta cần phải thay đổi chính phủ để ngăn chặn điều tra. Tôi đang thảo luận với các tướng lĩnh, các chỉ huy quân sự. Họ cũng đã nhất trí và đảm bảo sẽ thành công”, ông Juca nói.

Ông Juca không phủ nhận tính xác thực của đoạn băng nhưng biện hộ, ý kiến của ông là nội dung tham khảo nhằm giúp chấm dứt việc “chảy máu” nền kinh tế chứ không phải nhằm vào chiến dịch điều tra Petrobras. Nhưng trên thực tế, cả hai ông Juca và Machado đang trong diện bị điều tra do có những cáo buộc nhận tiền hối lộ trong vụ Petrobras. Vụ việc này cũng chính là cái cớ mà phe đối lập sử dụng để đình chỉ Tổng thống Rousseff từ hôm 12-5 thông qua các cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội và là bệ phóng đưa ông Temer lên nắm quyền.

Trong phản ứng đầu tiên, những người ủng hộ bà Rousseff cho rằng, đây rõ ràng là bằng chứng cho thấy, cáo buộc quá trình luận tội bà là một âm mưu đảo chính là hoàn toàn chính xác. Các thành viên cấp cao trong đảng Lao động cũng cho rằng, vụ bê bối mới nhất này “có thể dẫn đến việc hủy bỏ” quá trình luận tội Tổng thống bị đình chỉ Rousseff. Mặc dù đang phải chịu sức ép từ những người phản đối và các phương tiện truyền thông Brazil phải đưa ra tuyên bố về vụ việc này, quyền Tổng thống Temer cho đến nay vẫn không có bất kỳ bình luận gì.

Vụ bê bối mới nhất này tiếp tục nhấn chìm Brazil – quốc gia vốn đang bị rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Vụ việc đe dọa chính phủ vốn đã rất mong manh của ông Temer khi cho đến nay, đã có 3 bộ trưởng trong thành phần nội các mới bị điều tra. Thách thức đặt ra là việc bộ trưởng Juca, vốn được cho là cánh tay phải của ông Temer, là người đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách kinh tế và ngân sách, một trong những cam kết hàng đầu của chính phủ mới. Ông Juca cũng đang dẫn đầu nhóm nỗ lực yêu cầu Quốc hội chấp thuận các biện pháp cấp bách nhằm kéo Brazil thoát khỏi suy thoái. Mặc dù ông Juca tuyên bố chỉ tạm thời nghỉ việc chứ không từ chức,  nhiều người cho rằng, khả năng vị bộ trưởng này trở lại chính quyền là “dường như bằng không”.

Bản thân ông Temer, từ khi lên nắm quyền, phải đối mặt với các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày ở những thành phố lớn của Brazil. Những người biểu tình gọi ông là tổng thống không hợp pháp và mong muốn bà Rousseff quay trở lại nắm quyền. Một số người biểu tình lại muốn tổ chức cuộc bầu cử mới.

Khả Anh