Báo Công An Đà Nẵng

Bế mạc Festival Huế 2018: Vương vấn một Huế thương!

Thứ năm, 03/05/2018 12:14

Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản", sau 6 ngày đêm diễn ra với hàng chục chương trình, lễ hội; tối qua (2-5), Festival Huế 2018 đã chính thức khép lại với bữa tiệc nghệ thuật tại quảng trường Ngọ Môn.

Một tiết mục nghệ thuật trong đêm bế mạc.

Lưu luyến đêm giã bạn

Phát biểu lễ bế mạc, ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng BTC Festival Huế 2018 khẳng định, Festival lần này đã thành côngvới những chương trình nghệ thuật hấp dẫn đa sắc màu, các lễ hội văn hóa ấn tượng. Từ lễ khai mạc với không gian sắc màu rực rỡ, quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại mang hơi thở cuộc sống của nhiều vùng miền di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam và các quốc gia. Lễ hội Áo dài vốn đã đi vào lòng công chúng vì sứ mệnh của sự gìn giữ vẻ đẹp truyền thống dân tộc qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên cả nước. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật Âm vọng Sông Hương tái hiện vòng đời con người trên sông nước, Văn Hiến Kinh Kỳ đã mang lại cho chúng ta trải nghiệm hoàn toàn khác, tôn vinh những công lao mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân; Chương trình quảng diễn đường phố "Sắc màu văn hóa" là sự đồng điệu trong dòng chảy văn hóa âm nhạc và vũ nhạc qua ngôn ngữ không biên giới tạo nên điểm nhấn quan trọng cho Festival Huế 2018... tạo không khí tưng bừng cho mảnh đất cố đô Huế vốn yên tĩnh trở nên sống động hơn.

"Đã đến lúc chúng ta nói lời chia tay nhưng những gì mà Festival Huế lần thứ 10 để lại trong mỗi một chúng ta sẽ không phai nhạt. Đó chính là động lực thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của đất nước, của quê hương, góp phần phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển KT-XH, khẳng định TT-Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng, thành phố du lịch, thành phố di sản, một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam"- ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.

Chương trình nghệ thuật bế mạc tại quảng trường Ngọ Môn với chủ đề "Huế! Khúc hát ân tình" với các tiết mục đan xen giữa truyền thống và hiện đại tạo cảm xúc lưu luyến cho người xem trong đêm giã bạn. Màn Cô-đa khép lại chương trình nghệ thuật bế mạc qua ca khúc Mai em về của nhạc sĩ Tuấn Phương với từng dòng người đổ về ngày hội, hòa vào những sắc màu trang phục cùng hiệu ứng lung linh từ những chiếc đèn lồng, đèn ú, những cánh sen hồng... Đêm Ngọ Môn như vẫy chào, thay lời giã bạn Festival Huế 2018 và hẹn gặp lại tại Festival Huế 2020.

...Xin chào Huế, bên những chiều Đại Nội,

Đêm chia tay, ai hát điệu Nam Bằng,

Xin chào nhé! Trắng chiều nghiêng nón Huế

Chào thân thương... Hy vọng Huế ơi!

Mai em về, mình xa nhé Huế,

Để lại trong tim, vương vấn một Huế thương,

Sông Hương vẫn đợi, Thiên Mụ vẫn ngóng chờ,

Hẹn một ngày mai... ta về... Huế yêu!

Lễ hội đường phố là một trong những chương trình gây ấn tượng cho người dân và du khách khi đến với Festival Huế 2018 (trong ảnh, đoàn cà kheo "De Steltenlopers van Merchtem" của Vương quốc Bỉ).

Khách đến Huế tăng cao trong dịp Festival

Ông Lê Hữu Minh- quyền Giám đốc Sở Du lịch TT-Huế cho biết, lượng khách du lịch đến Huế trong dịp Festival năm nay tăng cao so với các kỳ Festival trước, đạt khoảng 50.000 lượt/ngày. Riêng khách lưu trú đạt đến 15.000 lượt với 10.500 phòng. Cao điểm, các khách sạn và nhà nghỉ đều kín phòng. "Festival Huế 2018 đang mang lại hiệu ứng rất tốt, đến trước giờ bế mạc, ngành du lịch chưa nhận bất kỳ phản ánh nào về tình trạng nâng giá. Công tác vệ sinh thực phẩm, an ninh, an toàn của khách đang được đảm bảo"- ông Lê Hữu Minh cho biết. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh TT-Huế cho biết, những hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế năm nay cũng thu hút lượng khách lớn so với các năm về trước. Mỗi đêm, Liên hoan Ẩm thực quốc tế thu hút 25.000-30.000 lượt khách đến tham quan và ăn uống. Các gian hàng ăn uống mở cửa đến khoảng từ 20 - 21 giờ là "cháy hàng". Các lễ hội ở làng quê như: Hương xưa làng cổ, Chợ quê ngày hội... cũng thu hút hàng vạn người. Festival Huế 2018 đã lan tỏa về các vùng quê, cho thấy người dân thực sự là chủ nhân của Festival.

Ông Lee Ga Rak, Chủ tịch Hiệp hội các ngành nghề truyền thống Hàn Quốc đã 9 lần đến Huế nhưng đây là lần đầu tiên tham dự Festival Huế. "Cảm giác rất tuyệt vời, không khí rộn ràng của lễ hội văn hóa, các chương trình quy mô, hoành tráng mang đến cho tôi cảm xúc khác lạ. Tôi thấy một Huế khác so với vẻ trầm lắng trước đây. Trước đây, khi đến Huế du lịch, tôi có cảm giác gần gũi bởi bề dày văn hóa lịch sử, vẻ cổ kính và yên bình nơi đây. Ngay lập tức, tôi muốn làm gì đó để gắn bó với vùng đất này và quyết định mang văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đến giới thiệu ở Festival Huế cũng như tạo ra sự hợp tác, giao lưu trao đổi văn hóa giữa Hàn Quốc và Huế. Bây giờ, Huế như ngôi nhà thứ hai của tôi vậy. Sau chương trình tại Festival Huế, không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu mới cho những hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Hàn Quốc và Huế, tôi mong muốn như vậy..."- ông Lee Ga Rak chia sẻ.

H.LAN