Báo Công An Đà Nẵng

Bế mạc GEF 6: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Thứ sáu, 29/06/2018 08:50

Chiều 28-6, Kỳ họp lần thứ 6 của Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) và các sự kiện liên quan diễn ra tại TP Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị này, các Nhà lãnh đạo cấp cao, các Lãnh đạo cơ quan môi trường của hơn 180 quốc gia; các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia, diễn giả đã thảo luận về những vấn đề môi trường của thế giới cho nhiệm kỳ hoạt động 4 năm tiếp theo. Với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp…

Một phiên họp trong khuôn khổ GEF 6 tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng. 

Tham dự và phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, nhấn mạnh tương lai phát triển bền vững của nhân loại phụ thuộc vào hành động hôm nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học... Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, các quốc gia cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”. 

Tại Phiên khai mạc toàn thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT- Trần Hồng Hà đã được bầu làm Chủ tịch Kỳ họp Đại Hội đồng GEF lần thứ 6. Bộ trưởng cùng với 2 Phó Chủ tịch là các Bộ trưởng Môi trường, Vệ sinh và Phát triển bền vững Mali và Quốc vụ khanh Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy đã điều hành Đại hội đồng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với GEF, cũng như các định hướng lớn trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF- bà Naoko Ishii phát biểu tại lễ bế mạc GEF 6. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF, bà Naoko Ishii cho rằng, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự Kỳ họp. Đại hội đồng lần này ở vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của trái đất và nhân loại. Đây là thời điểm cần phải chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh tế thông thường sang kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF rất hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương. Bà cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển đổi về mô hình phát triển, cần sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng.

Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị bên lề và tham gia sâu vào các Phiên họp Bàn tròn cấp cao tại Kỳ họp. Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển tại khu vực Đông Nam Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ. Hội nghị bên lề về Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững đã đề cập đến giải pháp nhằm khai thác thế mạnh về đa dạng sinh học của Việt Nam cho phát triển du lịch bền vững. Để hưởng ứng Kỳ họp Đại hội đồng GEF, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Chung tay bảo vệ đại dương” thu hút sự tham gia của gần 1.000 người  cùng nhau thể hiện cam kết và hành động loại bỏ nhựa dùng một lần, từ chối những thứ không thể tái sử dụng - Cùng nhau tạo ra một thế giới xanh hơn, sạch hơn.

Các đại biểu GEF 6 tại lễ bế mạc. 

Bên lề Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana; đã có các cuộc tiếp Lãnh đạo của UNDP, ADB, UNIDO, WB và tập đoàn Unilever; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng cũng có buổi tiếp và làm việc với Lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế về môi trường như UN, WB, UNIDO, FAO, WWF, IUCN,… góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững.

Bộ trưởng Bộ TN-MT phát biểu tại lễ bế mạc GEF 6. 

* Kết thúc Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 - Bộ trưởng Bộ TN-MT- Trần Hồng Hà cho biết: Trong những ngày qua, chúng ta đã làm việc không biết mệt mỏi để xác định các thách thức môi trường toàn cầu chủ yếu và đạt được các thỏa thuận quan trọng về các giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu và thông qua các tài liệu quan trọng trong Hội đồng này. Hơn nữa, chúng ta đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc và cam kết của mỗi người khi làm việc cùng nhau trong các vấn đề môi trường toàn cầu thông qua một loạt các cuộc họp trong 7 ngày qua. Chúng ta hãy làm việc chặt chẽ để biến các thỏa thuận của chúng ta đạt được trong các cuộc họp này thành hành động, cho một hành tinh chống chịu tốt hơn, một hành tinh bền vững và một hành tinh đảm bảo cho cuộc sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai.


Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự chuẩn bị, vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong đó có UBND TP Đà Nẵng; tạo dấu ấn về khả năng Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp trên tất cả các mặt: nội dung, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, an ninh và an toàn; đồng thời, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.

Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp GEF6 đã thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững. Qua Kỳ họp này, Việt Nam đã khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên toàn thế giới trong việc giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu.

Hồng Thanh

Tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Ngày 28-6, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum nhằm tìm hiểu tình hình trẻ em cũng như các hoạt động về chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện do UNICEF hỗ trợ tại hai tỉnh Kon Tum. Đoàn công tác đã đi thực tế tại giao lưu với các bậc cha mẹ có con nhỏ tại xã Đăk Rơ Ông, H. Tu Mơ, thăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tìm hiểu nhu cầu của trẻ và gia đình, qua đó cũng nắm được những trở ngại trong việc đảm bảo thực hiện các chính sách để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Kon Tum là một trong những tỉnh nghèo của Việt nam với phần lớn các chỉ số về trẻ em đều tụt hậu so với các chỉ số trẻ em cấp quốc gia và khu vực. Khoảng trên 50% dân số Kon Tum là người dân tộc thiểu số chủ yếu là người Xơ Đăng và Ba Na, sống ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa với điều kiện kém thuận lợi và khó tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Hiện nay, UNICEF đang hỗ trợ thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp để giải quyết các quyền trẻ em với mục đích kép là cải thiện kết quả trẻ em hướng tới công bằng xã hội.

A.NGUYỆT

23 người chết do mưa lũ

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 7 giờ ngày 28-6, đã có 23 người chết do mưa lũ, trong đó, Hà Giang 5 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi; Lai Châu 16 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập; Quảng Ninh 1 người do lũ cuốn trôi; Lào Cai 1 người do lũ cuốn trôi. Hiện vẫn còn 10 người mất tích do lũ cuốn trôi (Lai Châu 9 người và Điện Biên 1 người). Số người bị thương do mưa lũ là 16 (Lai Châu 15 người, Sơn La 1 người)...  Bên cạnh thiệt hại về người,  mưa lũ còn làm thiệt hại về nhà cửa, lúa, hoa màu, thủy sản, chăn nuôi, giao thông... với tổng thiệt hại ước tính 458,7 tỷ đồng (Sơn La 0,76 tỷ đồng, Hà Giang 122 tỷ đồng, Lai Châu 315,8 tỷ đồng, Thái Nguyên 0,32 tỷ đồng, Lào Cai 8,5 tỷ đồng, Yên Bái 0,07 tỷ đồng, Cao Bằng 0,17 tỷ đồng, Điện Biên 1 tỷ đồng, Tuyên Quang  10 tỷ đồng).

HOÀNG NAM