Bế mạc Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Năm 2016 có 3 kỳ họp Quốc hội
(Cadn.com.vn) - Chiều 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bế mạc phiên họp thứ 37. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận nhấn mạnh các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị chu đáo các nội dung cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Khối lượng công việc nhiều đòi hỏi các đơn vị phải nỗ lực và có tinh thần trách nhiệm cao để chuẩn bị tốt cho kỳ họp cuối năm.
Chương trình hoạt động giám sát năm 2016
Trước đó, trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016. Báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016 cho biết Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp, cụ thể:
- Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3-2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.
- Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7-2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; tại kỳ họp này, dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào cuối tháng 10-2016; hoạt động của Quốc hội đi vào ổn định, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; tại kỳ họp này, dự kiến có tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát 1 chuyên đề.
Trong 3 nội dung chuyên đề cụ thể được đề xuất tại Báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016 , Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết sẽ trình 2 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để Quốc hội lựa chọn giám sát.
Thời gian còn lại của buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến về vấn đề oan sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. |
Tình hình oan, sai đã giảm
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Báo cáo đánh giá, những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi mặc dù có lượng án rất lớn. Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây được phát hiện, đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời.
Nhiều ý kiến thống nhất với một số kiến nghị của Đoàn giám sát, cụ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Thu Thủy – TTXVN