Báo Công An Đà Nẵng

"Bê-tông hóa" làng quê để phát triển du lịch (Bài 1: Báo động ở Hội An)

Thứ hai, 16/04/2018 19:00

Không ngoa khi nói rằng Quảng Nam đang nổi lên như một “hiện tượng du lịch” của cả nước. Những sản phẩm du lịch mới nhanh chóng ra đời, những “kỷ lục” liên tục được thiết lập, lượng khách quốc tế tăng cao. Thế nhưng đằng sau sự phát triển vượt bậc, hào nhoáng ấy đã có không ít tiếng thở dài tiếc thương cho những giá trị văn hóa của một vùng đất đã bị dòng chảy hiện đại cuốn đi.

Không phải đến bây giờ, truyền thông mới lên tiếng báo động về tình trạng bê-tông hóa ở Hội An. Những lá phổi xanh của Hội An như rừng dừa Bảy Mẫu, biển Cửa Đại đều đã nhận những di chứng nặng nề của việc phát triển du lịch nhanh quá mức. Lượng khách du lịch ngày càng tăng mạnh đòi hỏi không gian lưu trú, nghỉ dưỡng phải được mở rộng. Và cái giá phải trả cho sự phát triển du lịch không bền vững là rất đắt.

Rừng dừa Bảy Mẫu là cái tên tiếp theo được tận dụng để phát triển du lịch. 

Băm nát rừng dừa Cẩm Thanh

Hơn 1 năm về trước, người ta chứng kiến lượng khách du lịch đổ về rừng dừa Bảy Mẫu tăng đột biến. Từ những khu đất vốn là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bỗng mọc lên những khu nhà hàng, khách sạn. Những rặng dừa xanh mượt bị chặt đi không thương tiếc nhường không gian cho con người ngồi thư giãn, vui chơi. Đây đó trong những ao đầm vốn là đặc sản của một “miền tây trong lòng xứ Quảng” mọc lên những lán trại, công trình. Bất lực trước sự “bát nháo” của rừng dừa, sau nhiều cuộc họp bàn, đầu tháng 1-2018 UBND TP Hội An chính thức triển khai thu vé du lịch từ khu vực này nhằm kiểm soát hoạt động du lịch nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Đông (người dân xã Cẩm Thanh) chia sẻ: “Khi những cái tên Chùa Cầu, Cửa Đại, An Bàng đã trở nên quen thuộc thì việc khai thác du lịch tại rừng dừa là điều tất yếu. Thị trường khách Hàn, Nhật cũng rất ưa chuộng phong cảnh nơi đây nên chỉ trong một thời gian ngắn Cẩm Thanh đã trở thành nơi thu hút đông khách du lịch. Rồi người này tiếp bước người kia phá đầm nuôi tôm để xây nhà hàng. Không ngoa khi nói rằng người ta đã băm nát rừng dừa để làm du lịch”. Điều mà ông Đông nói là hoàn toàn đúng với thực tế  bởi việc xây dựng ở Cẩm Thanh một thời gian dài vượt khỏi tầm kiểm soát của các ngành chức năng. Xây kè chắn lấn chiếm rừng dừa, đào ao nuôi hải sản, xây biệt thự kiên cố bằng bê-tông cốt thép, cắt lá dừa nước lợp nhà, làm nhà hàng, quán nhậu... là thực tế đang diễn ra công khai ở rừng dừa Bảy Mẫu này.

Rừng dừa nước đã bị tàn phá để nhường chỗ xây dựng các nhà hàng, khách sạn. 

“Mặc dù rất nhiều hộ vi phạm đã bị phạt, tháo dỡ công trình nhưng trên thực tế số lượng rừng dừa đã mất đi hiện vẫn khó để phục hồi. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là thi nhau chặt dừa nước để san lấp lấy mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp còn đổ đất đá xây kè chắn rồi bơm nước ngọt vào cho dừa tự chết”, ông Đông cho biết. Vấn đề đáng nói là việc xây dựng các công trình này diễn ra công khai hàng tháng trời với quy mô lớn, vài nghìn mét vuông nhưng chính quyền địa phương và thành phố vẫn không hề hay biết để đến khi dư luận phản ánh thì sự đã rồi. Đơn cử như khu du lịch của ông L.Q vừa bị tháo dỡ cuối năm 2017 thì khi có quyết định xử phạt thì hầu hết hạng mục công trình này đã hoàn thành gần 90%.

Theo ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc rừng dừa phải nhường chỗ cho du lịch. Hầu hết đất khu vực này là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên để tạo điều kiện cho dân phát triển kinh tế, xã đã tạm cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ nuôi tôm sang phát triển du lịch, dịch vụ nhưng do công tác kiểm tra, quản lý không chặt nên dẫn đến một số hộ dân đã tự ý chuyển từ xây dựng tạm sang kiên cố. Sau khi phát hiện sai phạm, địa phương đã thống kê và xử lý 19 hộ vi phạm, yêu cầu tháo dỡ các công trình.

Hàng loạt biển báo nguy hiểm được đặt khi tốc độ xâm thực ở biển Cửa Đại tăng nhanh trong những ngày qua.

Đâu rồi bãi biển đẹp?

Từng được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh nhưng giờ đây không hiếm những biển cảnh báo nguy hiểm đã được đặt khắp nơi gần bãi biển Cửa Đại. Biển cuộn xoáy khoét sâu vào đất liền, những nhà hàng khách sạn trước đây nằm ở khu đất vàng thì nay phải loay hoay tự cứu mình trước tình trạng xâm thực nghiêm trọng. Và một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là có quá  nhiều tuyến kè ven biển do các nhà hàng, khách sạn xây dựng suốt một thời gian dài kết hợp với biến đổi thời tiết. Điều này đã phá vỡ quy luật của tự nhiên để đến khi biển “nổi giận” thì đã muộn. Có mặt tại đây không khó để nhận thấy tình trạng xâm thực rất nặng nề mặc dù đã có nhiều phương án chống đỡ. Đoạn kè lát mái taluy bằng tấm bê-tông đoạn từ khách sạn Sunrise đến khách sạn Fusionalya đã bị hư hỏng phần chân mái taluy.

Song song với thực tế đó, trong đợt không khí lạnh vào cuối tháng 1 - 2018,  gió cấp 7, cấp 8 kết hợp với triều cường đã gây hư hỏng hoàn toàn đoạn kè lát mái taluy bằng tấm bê-tông dài khoảng 35m, cách khách sạn Sunrise khoảng 300m về hướng Nam, đồng thời gây sạt lở sâu gần 3m đoạn đường quản lý kè dài 20m. Ngoài ra, một số túi địa kỹ thuật của đoạn kè trước khách sạn Victoria về hướng Tây Bắc bị sóng đánh hỏng, gây cuốn trôi cát của công trình.

Thực tế này đã cho thấy rằng những biện pháp kè, gia cố lâu nay được bàn đến trong các buổi hội thảo về Cửa Đại đều chưa thực sự phát huy tác dụng. Sinh ra và lớn lên ở P.  Cửa Đại, ông Tuấn (63 tuổi) đã chứng kiến hết những thời điểm huy hoàng cũng như lụn bại  của nơi đây. “Chúng tôi làm nghề đánh cá cũng không dám đánh bắt hoài một vị trí mà tùy theo mùa phải di chuyển chỗ này chỗ kia. Phải để cho tự nhiên thích nghi và sinh sản trở lại theo quy luật của chúng. Còn ở Cửa Đại thì khác, người ta vắt kiệt nó đến tận cùng. Từ một bãi biển hoang sơ mọc lên hàng trăm biệt thự lớn nhỏ. Cửa Đại đã bị ép làm du lịch quá mức, đó là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở từ năm 2014. Nếu chỉ một mình sự thay đổi bất thường của thời tiết thì mức độ sạt lở không thể nhanh đến vậy”.

Đối với việc bãi biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở mạnh trong những ngày qua, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết đã báo cáo tình hình lên UBND tỉnh. Tuy nhiên về lâu dài, thành phố kiến nghị cần sớm triển khai dự án khẩn cấp kè chống sạt lở biển Cửa Đại và nạo vét khơi thông luồng tuyến đảm bảo giao thông tuyến Cửa Đại – Cù lao Chàm.

Đã có những bài học nhãn tiền như Cửa Đại, rừng dừa Bảy Mẫu làm minh chứng cho sự phát triển du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát trong xây dựng. Nhưng liệu rằng những bài học này đã đủ để người ta hiểu rằng Hội An đang dần méo mó trước những lợi ích quá lớn từ du lịch? Và phải làm gì trước khi nhiều “lá phổi xanh” nữa bị mất đi?

  (còn nữa)

 ĐỒNG DAO

* Kỳ tới: Tranh cãi xung quanh những dự án “đúng quy trình”