Báo Công An Đà Nẵng

"Bê-tông hóa" làng quê để phát triển du lịch (Bài 2: Tranh cãi xung quanh một dự án “đúng quy trình”)

Thứ ba, 17/04/2018 12:15

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh về những tác động tiêu cực của dự án Công viên văn hóa chủ đề ấn tượng Hội An (tại Cồn Gami) đối với hệ sinh thái của TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) thì đến nay các luồng ý kiến vẫn cho rằng nếu dự án này không nhanh chóng thay đổi thiết kế thì hậu quả sẽ khôn lường.

Cồn nổi Gami nhìn từ cầu Cẩm Nam đã bị bê-tông hóa hoàn toàn.

Từ cầu Cẩm Nam nằm bên cạnh chợ Hội An nhìn xuống ai nấy không khỏi sững sờ khi cồn nổi trước đây mang thương hiệu bắp nếp Cẩm Nam đã hóa thành bê-tông cốt thép. Dòng sông Hoài hiền hòa bao đời chảy qua phố cổ nay phải uốn mình trước những đường gấp khúc, những tảng bê tông chắn giữa dòng. Dòng sông gắn liền với chiều dài văn hóa lịch sử của Hội An ấy cũng phải khép mình chịu trận trước những đổi thay do con người lựa chọn. Trước một nguồn thu lớn đang đổ về, Cồn nổi Gami là cái tên tiếp theo bị hy sinh để phát triển du lịch ở Hội An. Và chỉ đến khi chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An” – hạt nhân của Công viên văn hóa chủ đề ấn tượng Hội An ra đời thì người ta mới ngạc nhiên về quy trình cấp phép của nó bất chấp những hệ lụy về môi trường đã được cảnh báo từ trước.

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Công viên văn hóa chủ đề ấn tượng Hội An được xây dựng trên Cồn Gami của Công ty CP Gami Hội An đã bị TP Hội An “tuýt còi” từ năm 2013. Trước đó, dự án này được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho triển khai vào năm 2004 với tổng diện tích khoảng 113.000m2, gồm các phân khu chức năng như trung tâm hội nghị (hơn 10.000m2 sàn) với chiều cao tối đa là 2,5 tầng (tương đương 13,5m), nhà hàng (sức chứa 1.000 khách) với chiều cao 2 tầng, khu thương mại dịch vụ, khu resort... Theo một cán bộ công tác tại TP Hội An, mâu thuẫn lớn nhất dẫn đến việc dự án Gami không thể triển khai trong năm 2013 chính là việc họ cứ xây xong thì mùa lũ sẽ cuốn trôi tất cả. Chính điều này đã dẫn đến việc dự án phải tính toán để được đổ đất nâng nền. Đây cũng là mấu chốt giữa việc dự án này có đảm bảo yếu tố môi trường hay không. Và mặc dù người đứng đầu TP Hội An khi ấy là ông Nguyễn Sự ra sức phản đối nhưng dự án vẫn tiếp tục được triển khai. Những nỗi lo âu của người dân TP Hội An về việc bê-tông hóa cồn Gami sẽ làm thay đổi dòng chảy sông Hoài là có lý bởi mùa mưa lũ cuối năm 2017 TP Hội An đã chứng kiến lũ tràn lên công trình này cô lập hơn 130 công nhân đang làm việc tại đây. Nước dâng cao bất thường, chủ đầu tư phải nhờ đến sự ứng cứu của lực lượng quân đội.

Mới đây, trước việc các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin trái chiều xoay quanh Dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo về quy trình cấp phép dự án này trình UBND tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Văn Thanh  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng dự án này không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình bàn bạc kỹ lưỡng với nhiều phương án thiết kế. Dự án Công viên chủ đề Ấn tượng Hội An hiện nay đều dựa vào nền tảng của quyết định cũ (từ năm 2004) để phê duyệt dự án điều chỉnh. Không có chuyện chính quyền “tiền hậu bất nhất” bỏ qua yếu tố môi trường.

Một góc Công viên văn hóa chủ đề ấn tượng Hội An.

Về chiều cao công trình của dự án, theo Sở Xây dựng: Dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch Gami Hội An được UBND TP Hội An thống nhất, trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ quy hoạch tại các Quyết định số: 4620/QĐ-UB ngày 29-10-2004, 4458/QĐ-UBND ngày 2-12-2005, trong đó xác định một công trình điểm nhấn có chiều cao 16,5m. Đến năm 2016, UBND tỉnh thống nhất về nguyên tắc cho Công ty CP Gami Hội An tiếp tục triển khai trên cơ sở kế thừa dự án trước đây tại cuộc họp với các sở ngành, UBND TP Hội An và ban hành Thông báo số 88/TB-UBND ngày 15-3-2016.

Tiếp theo, UBND TP Hội An, các sở ngành và UBND tỉnh đã xem xét phương án quy hoạch dự án. Trong đó xác định có một công trình điểm nhấn với chiều cao 16,5m. Về giấy phép xây dựng, theo Sở Xây dựng, hồ sơ thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng đã thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định. Phương án thiết kế các hạng mục thuộc giai đoạn 1 dự án được UBND TP Hội An thống nhất. Theo đó, Sở Xây dựng kiểm tra thực địa dự án, và trên cơ sở ý kiến UBND TP Hội An, UBND P. Cẩm Nam và các Sở: Kế hoạch và đầu tư, VH-TT&DL, NN&PTNT làm cơ sở ban hành giấy phép xây dựng số 09/GPXD-SXD ngày 20-3-2018 cho giai đoạn 1 dự án.

Như vậy, theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam việc cấp phép cho dự án này là đúng quy trình và đã có sự đồng thuận của UBND TP Hội An, sự thẩm định nghiêm ngặt của UBND tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, trả lời báo chí, những người gắn bó với quá trình phát triển của phố cổ Hội An như nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, lại khẳng định khi được lấy ý kiến, nhiều người đã phản đối vì biết được những hệ quả sẽ xảy đến cho môi trường khi dự án được triển khai. Chính sự bất nhất này đã khiến dư luận dậy sóng và đặt ra câu hỏi phải chăng có một sự thực khác bên ngoài những quy trình cấp phép, nhất là những sự án có tác động xấu đến môi trường?

(còn nữa)

ĐỒNG DAO

Kỳ tới: Mắc kẹt giữa các dự án treo