Belarus trong cơn biến động
Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đã quyết định từ chức trong khi Tổng thống Alexander Lukashenko ban hành sắc lệnh mới trong bối cảnh hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường biểu tình tại thủ đô Minsk.
Ngày 17-8, hàng ngàn công nhân nhà máy ở Belarus đã xuống đường và hàng trăm người biểu tình bao vây trụ sở đài truyền hình nhà nước, gây áp lực buộc Tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức sau 26 năm cầm quyền.
Người biểu tình xuống đường phản đối kết quả bâu cử tổng thống ở Thủ đô Minsk, Belarus hôm 17-8. Ảnh: AP |
Biểu tình ngày thứ 9 liên tiếp
Vào ngày thứ 9 liên tiếp của cuộc biểu tình phản đối kết quả chính thức của cuộc bầu cử ngày 9-8, trao cho ông Lukashenko nhiệm kỳ thứ 6, nhà lãnh đạo này đã đến một nhà máy ở thủ đô để kêu gọi sự ủng hộ nhưng bị các công nhân hô vang “Biến đi!".
Đối mặt với đám đông giận dữ, vị cựu giám đốc nông trường 65 tuổi này đã bác bỏ những lời kêu gọi từ chức. Khi ông phát biểu, hơn 5.000 công nhân đình công từ nhà máy Minsk Tractor Works đã tuần hành xuống các đường phố ở Minsk, yêu cầu Tổng thống nhường chức vụ cho bà Sviatlana Tsikhanouskaya, ứng viên của phe đối lập. Ngoài Minsk, người biểu tình cũng tràn xuống đường tuần hành tại một số thành phố và thị trấn lớn khác.
Kết quả chính thức của cuộc bỏ phiếu ngày 9-8 cho thấy, ông Lukashenko có được 80% phiếu bầu trong khi bà Tsikhanouskaya chỉ có 10%. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, đây là kết quả gian lận. "Ông Lukashenko là một cựu tổng thống, ông ấy cần phải đi. Tsikhanouskaya là tổng thống của chúng tôi, hợp pháp và được người dân bầu chọn", Sergei Dylevsky, người đứng đầu cuộc biểu tình tại nhà máy Minsk Tractor Works, nói với AP. Bà Tsikhanouskaya là một cựu giáo viên tiếng Anh 37 tuổi và đã thu hút được sự ủng hộ rất lớn sau khi quyết định ra tranh cử.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại kết quả bỏ phiếu vẫn tiếp tục ngay cả sau khi bà rời đất nước đến Lithuania vào tuần trước, động thái mà đội ngũ chiến dịch tranh cử của bà cho là đã được thực hiện "dưới sự cưỡng ép".
"Cuộc chiến" Nga -EU?
Các cuộc biểu tình đã đặt ra thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Lukashenko. Tuy nhiên, ông Lukashenko kiên quyết không từ chức. Và người chọn ra đi là Thủ tướng Roman Golovchenko.
Sau khi Thủ tướng Golovchenko từ chức, Tổng thống Lukashenko ban hành một sắc lệnh về quyền hạn của chính phủ, theo đó quy định các thành phần mới của Hội đồng Bộ trưởng nước này. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Lukashenko tuyên bố ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực và thay đổi hiến pháp, nhưng nhấn mạnh không sẵn sàng làm điều đó dưới sức ép từ người biểu tình, đồng thời khẳng định, sẽ không có cuộc bầu cử tổng thống mới. "Các bạn đừng bao giờ mong tôi làm điều gì đó do chịu sức ép. Sẽ không có cuộc bầu cử mới", Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh.
Tình hình căng thẳng ở Belarus khiến nhiều nước lo ngại. Tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Charles Michel đã triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp các nhà lãnh đạo EU vào ngày 19-8 tới để thảo luận về tình hình ở Belarus. Hồi tuần trước, 27 ngoại trưởng EU từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử trong đó Tổng thống Lukashenko được tuyên bố chiến thắng.
Trong khi đó, Nga cho rằng, chính "sức ép từ bên ngoài" đang gây ra bất ổn ở Belarus và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Belarus dựa trên một hiệp ước quân sự nếu cần thiết. Belarus đã "cầu viện" Nga trước tình hình rối ren này, trong khi cáo buộc NATO đang triển khai quân sự gần biên giới phía Tây Belarus khiến tình hình càng bất ổn. Theo Tổng thống Lukashenko, xe tăng và máy bay của NATO đã được điều tới khu vực cách biên giới Belarus 15 phút di chuyển. Tuy nhiên, NATO bác bỏ.
Các nước láng giềng phía Tây của Belarus gồm Ba Lan, Lithuania và Latvia – đều là thành viên của NATO. Liên minh đã cử 4 nhóm tác chiến tới các nước này và Estonia để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiềm tàng của Nga sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về Nga vào năm 2014. Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh không có ý định tấn công NATO, đồng thời cáo buộc liên minh này gây bất ổn cho Châu Âu.
KHẢ ANH