Báo Công An Đà Nẵng

Bền bỉ xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị phải từ những hành động cụ thể

Thứ sáu, 01/04/2016 08:58

(Cadn.com.vn) - Đã qua hơn một năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 43/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị" (VHVMĐT). Nhìn toàn cục, chúng ta có thể thấy rõ nét thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong đời sống-xã hội, bởi chủ trương của Thành ủy hợp lòng dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Điều mà ai cũng có thể hiểu được rằng cuộc sống này sẽ bất an biết bao khi con người sống trong cộng đồng với nhau không có văn hóa, không có trật tự, kỷ cương phép nước. Chính vì vậy mà đã có không ít việc làm của bao người dân bình thường đang ngày đêm chung tay, góp sức từ các việc nhỏ nhất để con người đối xử với nhau có tính nhân văn, để bộ mặt phố phường thêm khang trang, sạch sẽ hơn.

VHVMĐT là lĩnh vực bao trùm rất rộng lớn nhưng lại không xa lạ đối với mọi người, nó là những hành vi ứng xử ở mọi ngóc ngách, len lỏi trong từng góc phố, mỗi con đường và từng ngôi nhà trong cộng đồng dân cư. Thời gian qua, Đà Nẵng đã xuất hiện khá nhiều những hành động, việc làm, cử chỉ, lời nói... qua đó đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Mới hôm qua thôi, trên đường Trần Cao Vân có vụ va chạm giao thông giữa hai xe máy. Thấy những người trên các xe này bị ngã, ngay lập tức những người sống hai bên đường chạy ra đưa cả hai vào lề và khi biết chỉ say sát nhẹ, người tìm thuốc sát trùng, kẻ tìm khăn lau mặt mũi, chân tay, đưa xe lên vỉa hè để không ảnh hưởng giao thông. Chừng 10 phút sau có một thanh niên lại móc túi tự giác đưa cho cô gái bị tai nạn chiếc điện thoại giữa lúc không ai nhìn thấy anh nhặt. Rồi một buổi sáng  gần đây trên đường Trần Phú, một phụ nữ móc túi xách trên xe bị rơi. Chị định dựng xe, chạy bộ trở lại lấy thì có hai thanh niên ngồi chung xe máy phanh kít lại nhặt đem đến trao cho chị. Chị bảo: "Mình cũng đã từng chứng kiến người đi đường đánh rơi tài sản, kẻ đi sau trông thấy, dừng lại nhặt. Cứ tưởng họ giúp đỡ nên đứng chờ mang tới nhưng sau đó họ ôm tài sản rồ ga phóng chạy như bay. Thấy hai cậu nhặt túi xách, lòng mình cũng lo sợ... nhưng hai cậu tốt quá". Có lần tôi đi tìm nhà người quen tại đường Trần Văn Ơn. Hỏi rất nhiều người họ đều chỉ cứ qua khỏi cầu vượt Ngã ba Huế rồi rẽ trái nhưng tôi cứ loay hoay mãi những con đường chằng chịt phía trong, cuối cùng lại chạy trở ra đầu cầu vượt. Anh thanh niên đang ngồi uống cà-phê trên vỉa hè gần đó hỏi: "Tìm không ra hả?". Tôi lắc đầu. Thế là anh đứng dậy dặn chủ quán sẽ quay lại rồi lấy xe dẫn tôi chạy tới đầu đường Trần Văn Ơn... Những chuyện vặt vãnh nho nhỏ tương tự như thế đã được nhiều kênh thông tin, mạng xã hội đăng tải không ít đã làm cho dáng hình Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn,  Đà Nẵng được nhiều người trong và ngoài nước yêu quý, mến mộ. Suy cho cùng để có được những nét đẹp ấy là đều xuất phát từ gốc rễ của nếp sống VHVMĐT.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải có một cái nhìn thật khách quan mới thấy rằng VHVMĐT còn không ít vấn đề phức tạp, cần phải có những động thái dài hơi, kiên quyết và bền bỉ hơn nữa mới có thể hy vọng dần dần đưa nếp sống VHVMĐT lan tỏa theo chiều sâu được, vì VHVMĐT là một lĩnh vực khó đạt nhất trong chương trình "3 có" của Đà Nẵng. Tuy các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy quyết liệt từ công tác vận động, tuyên truyền cho đến xử lý vi phạm, song một số hành vi thiếu văn hóa như tình trạng bu bám, chèo kéo khách du lịch, rao vặt, nhếch nhác trong các kiệt, hẻm, tình trạng  "chặt chém"... thi thoảng vẫn diễn ra làm cho du khách kêu trời. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua và tục cúng đất tháng 2 âm lịch việc rải gạo, muối, cháo ra đường sau khi cúng vẫn diễn ra. Rác thải vẫn vứt bừa bãi không theo giờ giấc quy định, súc vật vẫn cứ chạy ra đường, xe cộ rú ga, bóp còi inh ỏi phóng bạt mạng ngay trong ngõ hẻm chật chội nguy hiểm...

Trách nhiệm xây dựng nếp sống VHVMĐT là của mọi người, của cả cộng đồng Đà Nẵng, trong đó đội ngũ cán bộ công chức từ phường đến thành phố, từng đảng viên làm nòng cốt và lực lượng này phải thực sự mẫu mực, đi đầu để người dân nhìn vào, làm theo. Bên cạnh việc điều chỉnh những hành vi thiếu VHVMĐT bằng thiết chế ràng buộc đã được quy định ra, công tác phổ biến, tuyên truyền cần phải duy trì thường xuyên tại tổ dân phố, cụm dân cư.  Được biết, có tổ dân phố họp mà lại đem toàn những việc vĩ mô, rất xa vời với cuộc sống đời thường của bà con ra nói còn chuyện vệ sinh môi trường, ứng xử trong giao tiếp hàng xóm, láng giềng, tham gia giao thông... đang sờ sờ trước ngõ thì ít được đề cập.

Nếp sống VHVMĐT là định hướng cho mọi người sống theo các chuẩn mực có giá trị văn hóa dân tộc để đáp ứng yêu cầu cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ  của thành phố. Đây là nền móng để Đà Nẵng xứng danh "thành phố đáng sống". Từ đầu năm 2015 cho đến nay cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường dài để xây dựng nếp sống VHVMĐT và sự bền vững của nó phải  được xuất phát ngay từ trong hệ tư tưởng và những hành động cụ thể của con người chứ không phải đơn thuần xây dựng bộ mặt thành phố về VHVMĐT chung chung.

T.M