Báo Công An Đà Nẵng

Bến cá An Lương quá tải

Thứ bảy, 18/03/2017 10:55

(Cadn.com.vn) - An Lương vốn là bến cá nhỏ dành cho các tàu ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải thuộc H. Duy Xuyên và một phần TP Hội An (Quảng Nam) neo đậu. Từ khi công trình cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển 129 đưa vào sử dụng thì các tàu cá từ các vùng biển khác cũng đã đổ dồn về đây, dẫn đến quá tải, ô nhiễm môi trường.

Những ngày giữa tháng 3 thời tiết nắng ráo cũng là lúc các tàu công suất lớn bắt đầu vào mùa vụ mới. Bến cá An Lương tấp nập người mua kẻ bán. Dưới cảng người người xếp cá vào xe đẩy còn trên bờ những chiếc xe đông lạnh đang chực chờ chở cá đi. Bà Quế (trú xã Bình Minh, H. Thăng Bình) cho biết: “Nhà tui làm ốc lể nên thuyền đi về trong ngày thôi. Xa nhất thì cũng chỉ là đến Non Nước vì ở đó nhiều ốc này. Từ khi tuyến đường ven biển 129 hoàn thành, ngày mô tui cũng ra đây để lấy hàng. Trước đây phải đi vòng vèo đường xóm xa lắm”.

Rác thải từ các tàu đi biển dài ngày tấp vào bến An Lương. 

Không chỉ có những tàu công suất nhỏ như gia đình bà Quế mà cả những đội tàu lớn câu mực cũng tấp nập ra vào bến cá An Lương. “Bến này tuy nhỏ hơn cảng trong Núi Thành nhưng lại thuận tiện neo đậu. Cầu Cửa Đại hoàn thành nên xe đông lạnh tha hồ ra vô chúng tôi chỉ tấp vào bờ là có người đến cân mực liền. Vả lại ở đây gần âu thuyền Hồng Triều trời có gió là vô đó tránh”, ông Năm chủ một tàu câu mực khơi cho biết. Ông Năm cho biết thêm, trước đây đường sá của Duy Hải, Duy Nghĩa rất xấu và chật hẹp nhưng từ ngày có cầu Cửa Đại và được mở rộng các tuyến ven biển đầu nậu khắp nơi đổ dồn về đây. “Trước đây đi tuyến đường xã khó khăn lắm nên đâu có ai muốn vô, mấy người ta cũng đổ dồn về cảng An Hòa trong Núi Thành”.

Không chỉ đối mặt với tình trạng quá tải, bến cá An Lương còn bị ô nhiễm môi trường. Rác thải từ các thuyền đi dài ngày đổ tràn cả ra đường đi chưa kể nước thải từ các tàu xả thẳng xuống biển. Theo quan sát của phóng viên do số lượng tàu cập bến nhiều nhưng chỉ có vài cầu gỗ do người dân dựng nên ra nhận cá vì vậy không tránh khỏi cảnh chen chúc, xô đẩy khi có tàu vào. Theo thông tin từ UBND xã Duy Hải, trung bình mỗi ngày có 30-40 chuyến xe đông lạnh vận chuyển cá từ An Lương đi các nơi, gấp 3 - 4 lần so với trước đây càng khiến cho bến cá trở nên chật chội. Ở An Lương, ngoài 4 đầu nậu tại địa phương, còn có một số đầu nậu từ nơi khác đến thu mua, vận chuyển cá đi đến các tỉnh như Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định...

Tàu cá các nơi đổ dồn về An Lương. 

Trong quy hoạch dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu vực bến cá An Lương sau này chỉ còn lại 2 khu dân cư, giữa 2 khu dân cư này với khu nghỉ dưỡng sẽ có một không gian tương đối rộng. Rút kinh nghiệm từ  các vùng biển khác trên cả nước trong quy hoạch xây dựng dự án Nam Hội An UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chú trọng duy trì nghề biển cho ngư dân. Ông Nguyễn Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: “Hiện nay hạ tầng đường sá giao thông đã thuận tiện nên các nơi đổ dồn về đây khiến cảng trở nên quá tải, đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý, nhưng những việc này vượt khỏi thẩm quyền của xã”.

Theo ông Nguyễn Văn Thống, cảng cá An Lương có tiềm năng rất lớn. Cảng cá nằm ngay chân cầu Cửa Đại nên có nhiều khách du lịch đến tham quan vào buổi sáng, cũng như thăm các lò hấp, sấy cá và cơ sở làm nước mắm. Đây là cơ hội tốt để thu hút khách du lịch về phía đông Duy Xuyên. Về lâu dài, bến cá An Lương sẽ được quy hoạch lại rộng rãi hơn. Theo quy hoạch sẽ có thêm 1 khu TĐC Thuận An - An Lương nằm trên địa bàn xã Duy Hải. Khu TĐC này nằm ven biển, từ thôn An Lương (xã Duy Hải) chạy về thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) theo hướng phía đông cầu Cửa Đại.

Vấn đề đặt ra lúc này là, khi nào những ý tưởng quy hoạch nêu trên được triển khai trong thực tế, để bến cá An Lương vừa tận dụng tốt cơ hội đang đến, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên bức bách hơn. Rõ ràng, đã đến lúc các cấp thẩm quyền ở Quảng Nam vào cuộc giải quyết vấn đề này.

Hà Dung