Báo Công An Đà Nẵng

Bên trong bộ máy bắt cóc của IS

Thứ tư, 23/09/2015 10:57

(Cadn.com.vn) - Theo ước tính của tình báo Mỹ, bắt cóc giúp nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan IS kiếm được 25 triệu USD hồi năm ngoái. Đây cũng là công cụ tuyên truyền mạnh mẽ của nhóm này. Hoạt động này dựa vào các điệp viên, người báo tin, kẻ bắt cóc, cai ngục và người đàm phán, những người sắp xếp thỏa thuận khi một con tin được thả ra.

2 năm trước, nhà báo người Mỹ Steven Sotloff bị bắt cóc tại Syria. “Tôi thấy 3 chiếc xe từ xa. Khoảng 500m. Ngay khi nhìn thấy chúng tôi, họ chặn đường chúng tôi... Tôi muốn sử dụng vũ khí mang theo nhưng có khoảng 10-15 người mang vũ khí”, Yusuf Abubaker, người cùng đi với Sotloff kể lại.

Sotloff và Abubaker bị tách ra. Abubaker được trả tự do sau 15 ngày  vì ông có mối liên hệ với một lữ đoàn mạnh trong Quân đội Syria Tự do (FSA), lực lượng nổi dậy chống chính phủ. Trong khi đó, tháng 9-2014, IS công bố đoạn băng cho thấy Sotloff bị chặt đầu, cảnh tương tự như vụ giết nhà báo người Mỹ, James Foley.

NGƯỜI SẮP XẾP VỤ BẮT CÓC

Tại thị trấn biên giới Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, Abu Huraira, cựu tình báo IS cho biết, ông từng theo dõi các nhà báo đưa tin về các vụ xung đột và sắp xếp để họ bị bắt cóc. Theo đó, ông giả vờ là một người tị nạn Syria và gặp các nhà báo. Sau một vài lần gặp, ông tư vấn cho họ nơi để quay phim gần biên giới và cung cấp chi tiết kế hoạch này cho những kẻ bắt cóc.

Abu Huraira từng là thành viên của FSA, chỉ quyết định rời khỏi IS khi được yêu cầu lên kế hoạch bắt cóc một người bạn của ông. Abu Huraira công bố hình ảnh các con tin, tin nhắn và ghi âm các cuộc nói chuyện của ông với lãnh đạo IS tại tỉnh Raqqa. Tất cả cho thấy, các vụ bắt cóc được lên kế hoạch rất kỹ. Ông cho biết, có rất nhiều người như ông sẵn sàng cung cấp thông tin cho những kẻ bắt cóc, vì lý do ý thức hệ hoặc vì tiền.

Theo Abu Huraira, IS có cả bộ phận chuyên thực hiện những vụ bắt cóc được gọi là “Intelligence Apparatus”, nhắm đến các nhà báo nước ngoài khi họ đặt chân vào các thành phố gần biên giới Syria.

Nhà báo người Mỹ Steven Sotloff bị IS chặt đầu vào tháng 9-2014. Ảnh: BBC

TRỪNG PHẠT

Thỉnh thoảng, IS bắt cóc các nhà báo không phải vì tiền mà để trừng phạt họ.

Tháng 1-2014, nhiều kẻ bịt mặt đột nhập văn phòng của nhà báo người Syria Milad Al Shihaby ở Aleppo, dường như để trả thù bài báo lên án sự tàn bạo của IS. “Chúng đánh cắp tất cả các thiết bị điện tử trong văn phòng - máy ảnh, máy tính xách tay - và đưa tôi đến căn cứ của chúng tại một bệnh viện cũ”, Shihaby kể lại.

Shihaby bị giam ở đó trong 13 ngày. Khoảng 200 người Syria khác cũng bị cầm tù ở đó. Sau đó, ông được chuyển đến một căn phòng lớn hơn cùng với các tù nhân khác. Một số tên cai ngục nói giọng Iraq đang tra tấn các tù nhân khác. Shihaby cho biết, một số tù nhân bị xử tử vì họ không chịu cải sang đạo Hồi. Khi các tay súng chiến đấu của FSA bao vây trung tâm giam giữ, các phiến quân IS bỏ chạy. Shihaby và các tù nhân khác trốn thoát.

TIỀN CHUỘC

Al Shihaby không phải là người duy nhất trốn thoát - một số nhà báo nước ngoài cũng đã được thả.

Tháng 6-2013, 2 nhà báo Pháp Edouard Elias và Didier Francois bị bắt cóc ở Syria. Họ được thả sau 10 tháng. Pháp cho biết không trả bất kỳ khoản tiền chuộc nào cho Elias và Francois. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phải trả tiền chuộc. Moutez Shaklab, một doanh nhân thường xuyên đi lại giữa Paris (Pháp) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết đã hoạt động như một nhà môi giới giữa những kẻ bắt cóc và gia đình nạn nhân, bằng cách sử dụng một mạng lưới liên lạc trên khắp Syria để theo dõi những người bị bắt cóc. Shaklab cho biết đã giúp thương lượng thả nhà văn người Bỉ Pierre Piccinin da Prata và nhà báo người Italia Domenico Quirico. “Gia đình của họ đã trả 4 triệu USD”, ông nói.

Tuy nhiên, Shaklab cho biết, có nhiều trường hợp ông không thương lượng thành công. Trong những trường hợp như thế này, IS bắt cóc không phải vì tiền mà để tuyên truyền, để chứng minh sức mạnh của chúng.

An Bình
(Theo BBC)