Báo Công An Đà Nẵng

Bên trong cuộc chiến ở Fallujah

Thứ tư, 29/06/2016 09:40

(Cadn.com.vn) - Sau chiến dịch quân sự kéo dài hơn 1 tháng, thành phố Fallujah của Iraq đã "được giải phóng" hoàn toàn khỏi tổ chức Hồi giáo IS. Dù cuộc chiến đã kết thúc nhưng những mất mát mà người dân nơi này phải chịu đựng là những ký ức không thể phai nhòa.

Sau khi chôn cất 2 cô con gái trong khu vườn của một bệnh viện bị bỏ hoang trong thành phố Fallujah, Khalil Mahmoud cùng vợ, một cô con gái và cậu con trai 10 tuổi - tất cả đều bị thương - rời khỏi thành phố. "Tôi và các thành viên trong gia đình cố gắng rời khỏi thành phố khi chiến sự bùng nổ nhưng vừa đến một ngôi chợ thì một quả tên lửa từ đâu bay xuống ngay chỗ chúng tôi. Vợ tôi và cả 3 cô con gái đều bị thổi văng ra xa", Mahmoud vừa kể vừa khóc với khuôn mặt đầy vẻ hoảng loạn.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Fallujah đã được giải phóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 28-6 cũng đã chúc mừng Thủ tướng Haider al-Abadi về chiến thắng này. Hiện liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn đang hỗ trợ các lực lượng Iraq làm công tác "thu dọn chiến trường" tại thành phố này. Và các giới chức quân sự Mỹ lo ngại, cuộc chiến với biểu tượng IS cũng như những nỗi đau mất mát mà thường dân nơi đây đang phải gánh chịu sẽ còn kéo dài.

Chính phủ Iraq đã giành chiến thắng trước IS trong cuộc chiến ở Fallujah.

Nỗi đau còn ở lại

Chiến dịch tái chiếm Fallijah bắt đầu từ cuối tháng 5 và đã kết thúc hôm 26-6 - khi chính phủ Iraq tuyên bố đã giành chiến thắng hoàn toàn. "Việc này sẽ mở đường cho quân đội tấn công Mosul - thành trì của IS ở Iraq", ông Abdul-Wahab al-Saadi, chỉ huy lực lượng chống khủng bố tham gia chiến dịch, tuyên bố.

Ngay sau phát động cuộc tấn công, chính phủ Iraq đề ra 4 ưu tiên quan trọng: thứ nhất là đảm bảo an toàn cho thường dân, thứ hai là bảo vệ tính mạng của binh sĩ, thứ ba là tiêu diệt IS, và thứ tư là hạn chế phá hủy cơ sở hạ tầng. Dù vậy, mất mát là điều khó tránh khỏi khi giao tranh xảy ra. Kể từ khi chiến dịch tái chiếm Fallijah bắt đầu, hàng trăm thường dân phải bỏ nhà đi lánh nạn ở khu vực ngoại ô; hàng chục ngàn người mắc kẹt trong thành phố phải sống trong tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Hàng chục người khác bị bắn chết khi họ đang cố gắng sơ tán khỏi Fallujah để đến trại tị nạn Amiriyat Al-Fallujah do Hội đồng Người tị nạn Na Uy điều hành. Số khác bị chết đuối khi tìm cách vượt sông Euphrates trên những phương tiện thô sơ để tránh bị trở thành "lá chắn sống" của chiến binh IS.

Kể cả khi không bị sử dụng làm lá chắn sống, họ cũng đang phải đối mặt với điều kiện sống khắc nghiệt như không có thức ăn, không có điện và nước sinh hoạt.

Vẫn còn đó nguy cơ xung đột giáo phái

Dù chiến thắng ở Fallijah cho thấy sự tiến bộ của chính phủ Iraq trong nỗ lực dập tắt sự chia rẽ bè phái, nhưng giới quan sát cho rằng, nguy cơ xung đột giáo phái vẫn còn đó.

Trên thực tế, chỉ huy Al-Saadi cho biết, trong cuộc chiến này, quân đội Iraq nhận được sự hỗ trợ thêm của liên quân do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng bán quân sự, hầu hết là dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn. Trong khi đó, hàng ngàn binh sĩ tộc Sunni đã được đào tạo bài bản lại không được tham gia lực lượng này. Ngay từ lúc cuộc chiến bắt đầu, lực lượng dân quân Shiite còn thiết lập các trạm kiểm soát bên ngoài thành phố, động thái khiến phe Sunni nổi giận. Giữa lúc cuộc chiến giành thành phố Fallujah đang diễn ra quyết liệt, các nhà lãnh đạo dân quân Shiite đưa ra nhận xét mang tính chia rẽ bè phái.

Và khi cuộc xung đột kết thúc, nguy cơ xung đột Shiite- Sunni vốn đã tồn tại từ lâu nay, càng được nói đến.

 Tuệ Khanh
(Theo Foreign Policy)