Báo Công An Đà Nẵng

Bên trong ngành sản xuất ca cao

Thứ năm, 20/02/2014 11:07

(Cadn.com.vn) - Tháng 10 hằng năm là thời điểm quan trọng đối với các cộng đồng nông thôn nghèo ở Bờ Biển Ngà, những người trồng ca cao, vì đất nước xích đạo nhỏ ở Tây Phi này sản xuất hơn 1/3 số ca cao trên thế giới.

Tại Bờ Biển Ngà, ca cao được trồng trên các đồn điền gia đình, thường có đến vài héc-ta. Hoạt động này được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Jean thừa hưởng 2 ha đất khi cha qua đời cách đây 7 năm. Lúc đó, anh chỉ mới 11 tuổi. Giờ đây, cuộc sống của anh vẫn rất khó khăn. Với nhu cầu ca cao trên toàn cầu vượt xa cung, lẽ ra, ca cao của Jean đang ngày càng có giá trị đối với các Cty sản xuất chocolate tên tuổi lớn. Nhưng, giá trị của loại cây công nghiệp này giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây.

Những người trồng ca cao như Jean là điểm xuất phát trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ca cao, từ khâu trồng trọt cho đến khi các thanh chocolate ngon lành được bán cho người tiêu dùng. Các nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu và các nhà sản xuất, tất cả đều thu được lợi nhuận cao, trong khi Jean chỉ nhận được khoản rất nhỏ. Tại đất nước mà ca cao trực tiếp hỗ trợ cuộc sống của khoảng 3,5 triệu người, GDP bình quân đầu người hàng năm không quá 1.000 USD.

Mối lo lao động trẻ em

Vỏ ca cao được tách bằng dao. Đây là một công việc nguy hiểm, nhưng là nguồn kiếm sống của nhiều trẻ em tại đây.

Vấn đề lao động trẻ em đã xuất hiện trong ngành công nghiệp chocolate trong nhiều thập kỷ qua, và mặc dù nhận được sự chú ý của toàn cầu trong 10 năm qua, vấn đề này sẽ không bao giờ biến mất.

Những người nông dân không đủ khả năng trả lương công nhân nên đã sử dụng lao động trẻ em để thay thế. Không có con số chính xác, nhưng có đến 800.000 trẻ em được cho đang làm việc trong ngành ca cao tại Bờ Biển Ngà.

Ngôi làng nhỏ Zibouyaokro đang chào đón các Mạnh Thường Quân từ Nestlé, Cty thực phẩm lớn nhất thế giới, đến thăm. Cty này tài trợ cho 23 trường học, hỗ trợ phát triển bền vững của Cty.

Ngăn chặn lao động trẻ em và tăng cường tiếp cận với giáo dục được xem là cách tiếp cận dài hạn tốt nhất để mang lại sự thịnh vượng cho những ngôi làng này. Tuy nhiên, Antonie Fountain, một nhà phê bình lập luận rằng, các Cty như Nestlé thất bại trong trách nhiệm cải thiện cuộc sống của người nông dân trồng ca cao.

1/3 số ca cao trên thế giới được trồng ở Bờ Biển Ngà. Ảnh: CNN

Tương lai ngành công nghiệp chocolate?

Francois Ekra sở hữu trang trại 7ha ca cao tại thị trấn Gagnoa. Ông cũng là Chủ tịch Hội ca cao địa phương, sản xuất khoảng 1.200 tấn hạt ca cao mỗi năm.

Tuy nhiên, giờ đây, Francois vẽ bức tranh đáng lo ngại cho tương lai của ngành công nghiệp chocolate, ước tính trị giá 110 tỷ USD/năm: Giá ca cao cố định của chính phủ là quá thấp; cây già và bệnh; hợp tác xã không có đủ tài chính để đầu tư cho tương lai. "Vì vậy, từng chút một, nếu cao su được trả giá cao hơn, chúng tôi sẽ không trồng ca cao nữa", ông cho biết. Theo ông, những người nông dân đang quay lưng hoàn toàn với ca cao: Các đồn điền cao su đang mọc lên. Chúng sinh lợi nhiều hơn và mang lại hiệu quả quanh năm.

Năm 1980, giá ca cao quốc tế là 3.750 USD/tấn - tương đương với mức giá 10.000USD/tấn vào năm 2013. Tuy nhiên, giá thực tế hiện nay chỉ ở mức  2.800USD/tấn. So với cùng kỳ, giá trị của ca cao trong một thanh chocolate đã giảm một nửa, từ 12 % xuống còn 6%, vì vậy mặc dù ca cao là thành phần quan trọng trong một thanh chocolate, giá trị của nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí sản xuất.

70% giá trị một thanh chocolate hiện nay nằm ở chi phí tiếp thị, nghiên cứu và phát triển.Và cũng như ở nhiều quốc gia Châu Phi, các cộng đồng dân cư nông thôn ở đây đang tìm kiếm cuộc sống tốt hơn nên ồ ạt di cư đến thủ đô Abidjan.

Cty khổng lồ của Mỹ Cargill mua khoảng 20% số hạt ca cao được trồng ở Bờ Biển Ngà, xuất khẩu chúng hoặc nghiền chúng thành bột ca cao, rồi sau đó bán cho các nhà sản xuất chocolate. Đây là giai đoạn mà hạt ca cao tăng giá trị rất nhiều. Tuy nhiên, giờ đây, người nông dân  không còn mặn mà gì nữa với việc trồng ca cao, vì vậy, Cty này cũng sẽ mất đi nguồn lợi nhuận đáng kể.

An Bình

(Theo CNN)