Bệnh ho gà xuất hiện trở lại tại Quảng Ngãi
Trên địa bàn TP Quảng Ngãi vừa có hai ca mắc bệnh ho gà là cháu P.T.T (hơn 2 tháng tuổi), trú tổ 3, phường Quảng Phú và cháu Đ.G.P (5 tháng tuổi), trú tổ 1, phường Trần Phú. Trong đó, cháu P.T.T chưa tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Còn cháu Đ.G.P đã tiêm 1 mũi vaccine “5 in 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
Theo điều tra dịch tễ, đầu tháng 7-2024, hai bệnh nhi đều có triệu chứng ho nhiều, nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi để điều trị. Tuy nhiên, do hai cháu ho dai dẳng lâu ngày không đỡ nên gia đình tiếp tục đưa bệnh nhi ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để điều trị. Tại đây, do nghi ngờ bệnh nhi bị bệnh ho gà nên bệnh viện đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả hai bệnh nhi trên đều dương tính với vi khuẩn gây nên bệnh ho gà.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi đã điều tra dịch tễ và xác định có 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhi T., 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhi P. Hiện, những trường hợp này đều chưa có biểu hiện, triệu chứng nghi bệnh ho gà và đã được uống kháng sinh dự phòng (trong 7 ngày), theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần.
Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phan Minh Đan cho biết: Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1- 2 tháng hoặc lâu hơn.
Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phan Minh Đan khuyến cáo các bậc cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.
“Tại Quảng Ngãi, khoảng từ năm 2020 đến nay không ghi nhận ca bệnh ho gà. Vì vậy, ngay khi phát hiện ca bệnh, ngành Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ho gà như: Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng và khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định, nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng”- ông Đan cho biết thêm.
Đinh Hương