“Bệnh lạ”... tái xuất!
(Cadn.com.vn) - Sau thời gian tạm lắng, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (còn gọi là “bệnh lạ”) tại Quảng Ngãi lại bất ngờ tái xuất và có chiều hướng “mở rộng” địa bàn. Điều này một lần nữa lại có tác động lớn đến tâm lý, tư tưởng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân miền núi…
Ngày 2-3, ông Lê Hàn Phong – Chủ tịch UBND H. Ba Tơ đã có công văn gửi các xã Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Vinh, Ba Xa và Ba Tô chỉ đạo các xã này kịp thời phòng, chống Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (thường gọi là “bệnh lạ”) trên địa bàn. Theo báo cáo ngày 1-3 của Trung tâm Y tế và CAH Ba Tơ, vào ngày 28-2, tại xã Ba Điền đã ghi nhận thêm 4 ca mắc “bệnh lạ”. Theo đó, cả 4 bệnh nhân này cùng trong một gia đình, gồm: Phạm Văn Đin (1984), Phạm Thị Nai (1987), Phạm Thị Ngắp (1938) và Phạm Văn Hy (2006), trú tổ 5, thôn Làng Rêu. Hiện 4 bệnh nhân trên được nhập viện, theo dõi chặt chẽ và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện theo phác đồ mới của Bộ Y tế ban hành.
Được biết, tại xã Sơn Ba (H. Sơn Hà) cũng vừa ghi nhận hai bệnh nhân là bà Đinh Thị Lơ (57 tuổi) và chồng Đinh Văn Hoàn (63 tuổi), trú thôn Cà Khu có triệu chứng viêm da nặng, men gan tăng cao, hiện đang được điều trị tại Khoa Da liễu – BVĐK Quảng Ngãi. Theo kết luận ban đầu của lãnh đạo Bệnh viện cũng như Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, hai bệnh nhân này có dấu hiệu của hội chứng viêm da dày sừng, chưa loại trừ Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân giống như các trường hợp mắc ở xã Ba Điền, H. Ba Tơ.
Đoàn công tác Viện Pasteur Nha Trang khảo sát thực tế, tìm hiểu “bệnh lạ” tại thôn Cà Khu, xã Sơn Ba
Sau khi có thông tin về “bệnh lạ” có chiều hướng “lan sang” địa bàn mới là H. Sơn Hà, ngày 2-3, Đoàn công tác do TS.Viên Quang Mai – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế tại thôn Cà Khu, xã Sơn Ba để tìm hiểu thực trạng hai ca bệnh vừa được phát hiện, những diễn tiến liên quan đến căn bệnh, đồng thời tìm hiểu những yếu tố dịch tễ ban đầu để có hướng xử lý... Sau khi thăm khám cho bà Định Thị Lơ và chồng Đinh Văn Hoàn đang điều trị tại BVĐK Quảng Ngãi, khảo sát và khám cho một số người dân tại thôn Cà Khu, trong đó có một trong số 9 người được cho là có dấu hiệu của hội chứng viêm da dày sừng, TS.Viên Quang Mai cho biết: Về lâm sàng, hai ca bệnh mới (vợ chồng bà Lơ và ông Hoàn) có dấu hiệu của hội chứng viêm da dày sừng, tương tự như các bệnh nhân trước đây ở xã Ba Điền, H. Ba Tơ. “Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ ghi nhận hai trường hợp trên ở xã Sơn Ba là có những biểu hiện của hội chứng viêm da dày sừng, còn những trường hợp khác thì hoàn toàn không có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh”, TS Mai khẳng định.
vào ngày 2-3.
Trước tình hình “bệnh lạ” có chiều hướng tái phát và gia tăng, ông Lê Hàn Phong yêu cầu các cơ quan, ban ngành và Chủ tịch UBND các xã có ca bệnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân tự phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, hằng tuần phải tiến hành tổng vệ sinh môi trường khắp các địa bàn từ mỗi gia đình, đến thôn, xóm, khu dân cư; vận động toàn dân đảm bảo vệ sinh ăn uống, không dùng gạo mốc, gạo ủ và thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm... Khi phát hiện có các dấu hiệu như bị tổn thương ở bàn tay, bàn chân, mệt mỏi, đau bụng... phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời; chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế tiếp tục thực hiện phun hóa chất sát khuẩn tại các xã có ca bệnh, đồng thời tích cực rà soát, khám sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh, thu dung điều trị tích cực, kiên quyết không để xảy ra tử vong...
Theo ghi nhận của chúng tôi tại địa bàn xã Sơn Ba, trước thông tin về “bệnh lạ” xuất hiện, cán bộ địa phương đã kịp thời tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Trong đó nhấn mạnh, đây là bệnh không lây và có thể chữa trị được nên đến thời điểm hiện tại, người dân xã Sơn Ba vẫn yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, địa phương cũng đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn để làm công tác tư tưởng, vận động nhân dân thường xuyên vệ sinh môi trường, có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và chính quyền địa phương, tình hình “bệnh lạ” trên địa bàn các xã miền núi của H. Ba Tơ và Sơn Hà sẽ tạm lắng xuống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt, về lâu dài, thiết nghĩ ngành Y tế cần sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa, điều trị dứt điểm, tránh tâm lý hoang mang trong dư luận cũng như đời sống của đồng bào miền núi tỉnh Quảng Ngãi bấy lâu nay.
Bài, ảnh: Doãn Hùng