Bệnh Than xuất hiện ở tỉnh giáp biên, Quảng Trị chỉ đạo “nóng”
Bệnh Than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Than (Bacillus – Antharacis) gây ra. Bệnh thường gây ra các vụ dịch lớn ở động vật rồi lây sang người. Dịch bệnh Than có đường truyền qua da, qua tiếp xúc, qua ăn uống liên quan đến những người làm nghề chăn nuôi, tiếp xúc với lông, da, xương động vật hoặc những người giết mổ, ăn thịt động vật bị bệnh, chết.
Theo báo cáo từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị, hiện nay tình hình dịch bệnh tại Lào nghi do bệnh Than có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Tính đến ngày 10-4, đã xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở một số tỉnh, thành của nước Lào như Champasak, Bolykhamsay, thủ đô Viêng-Chăn và cả Salavan, tỉnh giáp biên với Quảng Trị. Trước tình hình này, để chủ động phòng chống dịch, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra văn bản chỉ đạo “nóng” yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên gia súc và phòng chống dịch bệnh động vật lây sang người ở địa phương giáp biên.
Theo đó, các sở ngành, địa phương thực hiện triển khai quyết liệt các nhiệm vụ. Cụ thể, đối với Sở Y tế, phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Giám sát chặt chẽ các trường hợp công dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có lịch sử đi, ở, về từ Lào có dấu hiệu mắc bệnh liên quan ăn thực phẩm là động vật không rõ nguồn gốc và động vật chết. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, xử lý và kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh. Tăng cường giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, cách ly, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là bệnh Than; ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào nội địa.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp triển khai công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trên động vật; phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật lây truyền sang người, kể cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Cùng với đó, phối hợp phòng chống buôn lậu gia cầm, gia súc, các sản phẩm từ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ để phát hiện dịch và tổ chức lực lượng thực hiện xử lý kịp thời. Tổ chức bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, chú trọng các dịch bệnh có khả năng lây sang người. Sở Công thương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào biên giới Việt Nam. UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người trên địa bàn quản lý, đặc biệt khu vực giáp ranh, khu vực biên giới có sự di dân biến động phức tạp.
Trước đó, BĐBP Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các Đồn BP tuyến biên giới đất liền tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ địa bàn, biên giới; nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý người, phương tiện xuất, nhập cảnh trái phép; hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ qua biên giới; không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào địa bàn, đơn vị và nội địa. Tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; không giết, mổ, không ăn thịt, không sử dụng, buôn bán các sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, không rõ nguồn gốc. Không tham gia, tiếp tay cho việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ qua biên giới. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tố giác tội phạm với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật.
Bảo Hà