Bệnh tiểu đường – sát thủ thầm lặng tại Châu Á
(Cadn.com.vn) - Châu Á đang phải gánh chịu áp lực rất lớn từ căn bệnh tiểu đường. Thường được coi là căn bệnh của người giàu nhưng việc thay đổi lối sống, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và thực phẩm không đảm bảo an toàn khiến càng nhiều người có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Đây là gánh nặng rất lớn, đặc biệt là người nghèo.
Theo số liệu mới nhất của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (IDF), hiện nay trên thế giới có 382 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Hơn một nửa ở Châu Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó 90-95% các trường hợp được xếp vào loại 2.
Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới, với hơn 98 triệu người mắc bệnh - khoảng 10% dân số - gia tăng đáng kể từ khoảng 1% trong năm 1980. Giáo sư Juliana Chan của Đại học Hồng Kông cho biết, số người mắc bệnh tăng lên do tương tác phức tạp giữa di truyền, lối sống và các yếu tố môi trường, gây ra bởi quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Bắc Kinh có khả năng đối phó với vấn đề này không.
Tỷ lệ phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ tại Ấn Độ rất cao. Ảnh: BBC |
Tiêu tốn một nửa ngân sách
Bắc Kinh chi 17 tỷ USD cho bệnh tiểu đường vào năm ngoái. Căn bệnh này có thể tiêu tốn hơn một nửa ngân sách y tế hàng năm của Trung Quốc, IDF cho biết.
“Tiểu đường là một sát thủ thầm lặng”, giáo sư Chan nhận định. Người bệnh bị mắc kẹt bởi sự kỳ thị, nghèo đói và thiếu hiểu biết, thường không chữa trị cho đến khi căn bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Suy thận, bệnh tim mạch và mù là biến chứng thường gặp. Vì thế, theo bà Chan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải có chính sách y tế công cộng hiệu quả hơn. “Chúng ta cần phải tư vấn cho những người có nguy cơ mắc bệnh để họ không bỏ lỡ những thời điểm quan trọng để ngăn chặn căn bệnh”, bà nói.
Ấn Độ đang theo sát Trung Quốc, ước tính có khoảng 65,1 triệu bệnh nhân tiểu đường. Kanmani Pandian, 25 tuổi, đang mong đợi đứa con đầu lòng chào đời vào năm tới. 2 tháng trước, cô bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ - căn bệnh cô chưa bao giờ nghe nói tới. Tuy nhiên, Kanmani rất may mắn bởi tại Chennai thuộc bang Tamil Nadu, phụ nữ mang thai được sàng lọc phổ quát. Nếu bệnh không được kiểm soát có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng mẹ và con. Hơn 21 triệu bà mẹ mang thai bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường vào năm 2013. Tại Ấn Độ, tình trạng này đặc biệt phổ biến. Bác sĩ RM Anjana, một chuyên gia về bệnh tiểu đường có trụ sở tại Chennai, cho biết bệnh tiểu đường thai kỳ thường không được điều trị nghiêm túc “bởi vì mọi người nghĩ rằng đó là căn bệnh chỉ xảy ra một lần bệnh trạng nhẹ”. Các triệu chứng thường biến mất sau khi người mẹ sinh con, nhưng trong vòng 5 năm sau đó, 70-80% số phụ nữ này sẽ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Những trẻ sơ sinh này cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong cuộc đời sau này.
Thay đổi lối sống
Tại Tây Thái Bình Dương, căn bệnh tiểu đường đang gây thiệt hại về con người và kinh tế chưa từng có. Ở Fiji, trung bình mỗi 12 giờ, các bác sĩ phẫu thuật thực hiện một ca cắt bỏ có liên quan đến bệnh tiểu đường. “Khi họ đến bệnh viện, nhiễm trùng đã quá nặng và chúng tôi phải phẫu thuật cắt bỏ đôi chân”, bác sĩ Wahid Khan, người đồng sáng lập Tổ chức Sự thật về Tiểu đường của Fiji, cho biết.
Theo xu hướng trên toàn Châu Á, nền kinh tế của Fiji - phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, công nghiệp mía đường, khai thác vàng, đồng và xuất khẩu hải sản – khiến tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên. “Trước đây, mọi người phải tự trồng trọt , đánh bắt cá, và đi lại chủ yếu là đi bộ. Giờ đây, chúng tôi trở nên lười biếng hơn và ít vận động hơn”, bác sĩ Khan cho biết đồng thời nói thêm rằng, ngành công nghiệp thực phẩm bánh và thức ăn nhanh cũng góp phần làm tăng số người mắc bệnh tiểu đường.
Theo IDF, bệnh tiểu đường có thể được ngăn ngừa đến 80% số ca mắc bệnh chỉ đơn giản là thay đổi lối sống.
An Bình (Theo BBC)