Bệnh viện chục tỷ đồng sử dụng vài năm đã lỗi thời
(Cadn.com.vn) - Được đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng, nhưng hoạt động chưa tới 10 năm Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã lỗi thời, xuống cấp, buộc phải tính phương án xây mới gần 180 tỷ đồng tại Hòa Xuân.
Vừa sử dụng đã bất ổn
Khởi công xây dựng từ năm 2001 nhưng phải 5 năm sau công trình Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng mới được đưa vào sử dụng. Tuy vậy, nó vẫn chưa hoàn chỉnh khi thiếu một số khoa, phòng. Cũng chính vì thời gian xây dựng kéo dài nên số vốn cũng đội lên gấp đôi, tức gần 10 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Bác sỹ Nguyễn Văn Ánh- Giám đốc Bệnh viện cho biết, hoạt động chưa được bao lâu thì gặp bão Xangsane, toàn bộ mái tôn của bệnh viện bay hết, các cửa hư hỏng. Một thời gian sau, công trình nhanh chóng xuống cấp và bộc lộ nhiều bất cập. Các tường bao, thậm chí cả trần nhà, tường bong tróc, rớt xuống giường bệnh khiến bệnh nhân nằm dưới rất lo lắng. Vào mùa mưa thì nước thấm dột cả phòng bệnh. Chưa kể hệ thống vệ sinh chất lượng quá kém, ống thoát nước nhỏ, thường xuyên tắc nghẽn, gây tràn và thấm vào tường khiến bệnh viện phải đục tường ra khắc phục. Đặc biệt, các thang máy hẹp, không đẩy lọt băng ca, nhiều lúc phải cõng bệnh nhân để đi lên tầng.
Từng mảng hồ bong tróc rớt xuống giường. |
Vấn đề đặt ra là vì sao ngay từ khi đầu tư xây dựng công trình đã được thiết kế cho bệnh viện nhưng đưa vào hoạt động lại bất ổn, xuống cấp nhanh như vậy? Chất lượng xây dựng kém đã đành mà ngay cả khâu thiết kế, quy hoạch cũng có vấn đề? Đơn cử, theo chuẩn của Bộ Y tế, phòng xét nghiệm vi sinh phải rộng 200m2, song bệnh viện này lại không có phòng nào được xây rộng như thế, nếu muốn làm phòng xét nghiệm vi sinh thì phải gộp 3-4 phòng lại, rất bất cập. Đáng nói hơn, việc quy hoạch xây dựng bệnh viện 100 giường đã không lường trước được nhu cầu khám, điều trị y học cổ truyền tăng cao của người dân.
Bác sỹ Ánh cho biết thêm, khi chuyển bệnh viện từ đường Phan Châu Trinh (Q. Hải Châu) với diện tích hơn 2.400 m2 về đường Trần Thủ Độ (Q. Cẩm Lệ) diện tích 5.600 m2 vào năm 2006 thì thấy rất rộng rãi. Tuy nhiên, nhu cầu khám chữa bệnh y học cổ truyền của người dân tăng nhanh, số lượng người bệnh tới nhiều đã đẩy bệnh viện nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Dù thiết kế 100 giường nhưng thời điểm hiện tại bệnh nhân nội trú gần 300 người. Hội trường, phòng họp và nhiều phòng hành chính khác buộc phải dọn dẹp, dồn lại lấy chỗ để kê giường bệnh. Tổng cộng hơn 100 giường bệnh nữa được kê thêm, nhưng bác sỹ Ánh nói, với cơ sở y tế, thêm giường bệnh là thêm nhiều yếu tố khác đi kèm, mà cơ sở vật chất khi xây dựng không đáp ứng được nên việc hoạt động rất khó khăn.
Mùa mưa, nước thấm tường đầy rêu trong các phòng làm việc. |
Tránh "vết xe đổ"
Công năng sử dụng không phù hợp, chất lượng xây dựng xuống cấp, diện tích chật chội, rõ ràng nhu cầu xây bệnh viện mới trở nên bức thiết. Theo bác sỹ Ánh, năm 2017, thành phố sẽ khởi công xây dựng công trình Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng tại Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ). Bệnh viện mới được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 22.000 m2, quy mô 300 giường bệnh, tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, để tránh lặp lại "vết xe đổ" của công trình Bệnh viện Y học cổ truyền hiện tại, bác sỹ Ánh cho rằng thời gian xây dựng phải rút ngắn trong vòng 2 năm hoàn thành là phù hợp. Bởi lẽ nếu kéo dài 5 năm như công trình bệnh viện hiện tại không những đội kinh phí mà tới khi tiếp nhận sử dụng các hạng mục xây trước có khi đã xuống cấp. Cũng theo bác sỹ Ánh, mỗi lần di dời bệnh viện đến địa chỉ mới gặp nhiều khó khăn, phải mất vài năm người bệnh mới biết đến bệnh viện. Nhu cầu cơ sở là bức thiết, trong khi đặc thù của Bệnh viện Y học Cổ truyền cần không gian, khuôn viên rộng, nhìn lại ở TP chỉ còn ở Hòa Xuân là đất rộng rãi.
Hệ thống vệ sinh tắc nghẽn, xuống cấp buộc bệnh viện phải đục nền làm lại. |
Hiện tại, bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Y học Cổ truyền đã lên con số 300, tổng số giường kê cũng hơn 200, tuy nhiên xây bệnh viện mới đầu tư gần 180 tỷ đồng trong khi qui mô chỉ 300 giường bệnh liệu có phù hợp cho tương lai? Bài học về "phá" quy hoạch chỉ trong thời gian khoảng 10 năm với Bệnh viện Y học Cổ truyền hiện tại có thể sẽ lặp lại với bệnh viện xây mới, nếu nó không được tính toán dài hơi hơn. Hiện tại thì quy mô 300 giường bệnh là phù hợp, tương đương như các tỉnh Nghệ An, Bến Tre... song về lâu dài cần tính toán phương án nhiều bệnh nhân ở các tỉnh lân cận đổ về Đà Nẵng điều trị.
Đặc thù của y tế là "nước chảy chỗ trũng", quy hoạch không chỉ cho nhu cầu của người dân Đà Nẵng, mà nếu bệnh viện chất lượng tốt, người dân nhiều địa phương khác cũng sẽ đổ về. Khi xây Bệnh viện Phụ sản - Nhi 600 giường thấy quá lớn, song chỉ một thời gian sau đã quá tải trầm trọng, vượt cả quy hoạch. Đó cũng là bài học quý giá khi quy hoạch xây mới Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng.
Hải Quỳnh