Báo Công An Đà Nẵng

Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa chẩn đoán nhầm bệnh?

Thứ tư, 11/03/2020 09:38

Cho rằng Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa (BVĐKTH) tại H. Thăng Bình (Quảng Nam) chẩn đoán nhầm bệnh cho em Huỳnh Thị Như Ý (17 tuổi, trú khu phố 6, thị trấn Hà Lam, H. Thăng Bình) suýt gây hậu quả nghiêm trọng, gia đình bức xúc đã đăng tải thông tin lên Facebook tố cáo.

Các bác sĩ BVĐKTH chẩn đoán bệnh nhân Huỳnh Thị Như Ý bị viêm ruột thừa (ảnh trái) trong khi Bệnh viện Đa khoa Gia Đình ở Đà Nẵng chẩn đoán bị viêm hồi manh tràng (ảnh phải).

Theo trình bày của chị Huỳnh Thị Trang (29 tuổi, chị ruột em Ý), chiều 1-3, Ý bị đau bụng nên gia đình đưa đến BVĐKTH khám. Sau khi lấy máu đưa đi xét nghiệm, chụp phim... các bác sĩ đoán em bị viêm ruột thừa phải phẫu thuật gấp và yêu cầu người nhà làm thủ tục.

Tuy nhiên, vì gia đình muốn đưa Ý ra bệnh viện ngoài TP Đà Nẵng phẫu thuật an toàn nên từ chối. Ngay trong đêm, gia đình đưa Ý ra Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (TP Đà Nẵng) điều trị. Tại đây, các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán em Ý bị viêm hồi manh tràng chứ không phải bị viêm ruột thừa như chẩn đoán của BVĐKTH. Sau đó, các bác sĩ chỉ định cho uống thuốc trong vòng 4 ngày dần khỏi bệnh và cho xuất viện về nhà. "Em gái tôi không bị viêm ruột thừa, nhưng các bác sĩ ở đây đã chẩn đoán qua loa rồi kết luận. Nếu như hôm đó gia đình tôi đồng ý cho em gái phẫu thuật thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tuy em gái tôi đã không sao, nhưng bức xúc trước sự việc tôi đã đăng thông tin vụ việc lên Facebook cá nhân tố cáo BVĐKTH làm việc tắc trách"- chị Trang bức xúc phân trần.

Qua theo dõi Facebook "Huynh Trang" của chị Trang, sau khi đăng tải thông tin, đã có hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận tỏ sự bức xúc trước sự việc. Đáng chú ý, nhiều người có chuyên môn bình luận rằng, manh tràng nằm sát ruột thừa và triệu chứng cũng giống nhau nên chẩn đoán đầu tiên sẽ như vậy, không nên trách bác sĩ...

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với P.V, Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc BVĐKTH cho rằng, các bác sĩ chẩn đoán phân biệt bệnh lý ban đầu có thể đã nhầm dựa trên kết quả xét nghiệm, chụp phim... của bệnh nhân này. "Về mặt chuyên môn, việc chẩn đoán viêm ruột thừa và viêm hồi manh tràng có thể nhầm lẫn bởi manh tràng nằm sát với ruột thừa. Và việc chẩn đoán nhầm như vậy cũng bình thường, nếu phẫu thuật vẫn điều trị được bệnh, không ảnh hưởng gì. Khi các bác sĩ đã chẩm đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa thì phải nghĩ đến chuyện phải mổ gấp. Nhưng khi gia đình đưa bệnh nhân ra bệnh viện khác chẩn đoán không phải như vậy thì có thể bệnh viện đã có sự nhầm lẫn"- Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước lý giải.

5 tháng trước, trên Facebook cũng lan truyền tờ giấy "Chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội" (giấy nghỉ ốm), của anh Nguyễn Văn V. (SN 1994). Tuy nhiên, trong phần chẩn đoán và phương pháp điều trị tại BVĐKTH ghi: "Kinh nguyệt nhiều, hay xuất hiện và không đều" đã khiến nhiều người xôn xao. Về sự việc này, lãnh đạo BVĐKTH giải thích đó chỉ là giấy nghỉ ốm, sai sót xảy ra trong lúc đánh máy chứ không phải do bệnh án hay bệnh lý gì cả. Hôm đó, trước anh V., có một bệnh nhân nữ xin giấy nghỉ ốm với chẩn đoán: "Kinh nguyệt nhiều, hay xuất hiện và không đều...". Sau khi y tá làm giấy nghỉ ốm cho người phụ nữ xong thì đến lượt anh V. Nhưng do anh V. liên tục hối thúc y tá làm nhanh nên dẫn đến sai sót.

LÊ VƯƠNG