Báo Công An Đà Nẵng

Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc

Thứ sáu, 04/10/2019 16:22

Chiều 13-10, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Alive & Thrive tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Vinh trao quyết định công nhận danh hiệu Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. 

BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là một trong những BV tiên phong ở Việt Nam thực hành chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, đảm bảo mẹ và bé được da kề da ngay sau sinh liên tục 90 phút không tách rời. Cái ôm đầu đời của bé và mẹ là phút giây đầu đời thiêng liêng và hạnh phúc, là chất xúc tác để bé có thể được hưởng trọn vẹn những giọt sữa non ngay trên ngực mẹ... Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ sơ sinh cần được da kề da với mẹ ít nhất 90 phút đầu sau sinh để ngăn ngừa nguy cơ hạ thân nhiệt và giảm nguy cơ tử vong. Trẻ được da kề da sẽ tăng tỷ lệ bú mẹ sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh lên trên 3 lần và việc bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp giảm 2 lần nguy cơ tử vong so với trẻ không được bú sớm. Nghiên cứu quan sát tác động tích cực của việc áp dụng da kề da đủ 90 phút liên tục ở BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng cho thấy điều tương tự, tỷ lệ trẻ sơ sinh phải chăm sóc đặc biệt giảm 30%, tỷ lệ phải sử dụng kháng sinh giảm trên 50% và tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn tăng gấp 3 lần.  Trên thực tế, những BV làm đúng quy trình da kề da sau sinh cho mẹ và trẻ như BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng không phải là nhiều. Theo khảo sát của Bộ Y tế trên 3.500 bà mẹ sau khi xuất viện, chỉ có 39% bà mẹ được da kề da đủ 90 phút với trẻ và 30% bà mẹ không thể cho con bú sớm trong vòng 90 phút sau sinh.

Ts.Bs Trần Đình Vinh - Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, để có thể thực hiện da kề da ít nhất 90 phút thường quy cho các ca sinh thường và sinh mổ, BV đã rất nỗ lực huy động trí tuệ tập thể, thực hiện các tập huấn, các hội thảo khoa học chuyên đề, thí điểm và ghi chép thống kê các thay đổi tích cực của da kề da ít nhất 90 phút liên tục trên sức khỏe của mẹ và trẻ, sau đó mới nhân rộng trên quy mô toàn BV... Ông Roger Mathisen - Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Khu vực Đông Nam Á cho rằng: "Những thành quả và thực hành tốt của BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nhất thiết cần được nhân rộng, để ngày càng có nhiều hơn trẻ em được bú mẹ sau khi sinh. Đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là trung tâm duy nhất trên cả nước nghiên cứu về vấn đề này, và là nguồn lực lớn để BV chia sẻ cách làm và hỗ trợ chuyên môn cho các BV khác".

BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là một trong những BV tiên phong ở Việt Nam thực hành phương pháp da kề da.

Sáng cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Nam tổ chức đón nhận danh hiệu "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc". Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đánh giá: "BVĐK Quảng Nam xứng đáng nhận được danh hiệu nhờ những nỗ lực, tâm huyết trong việc thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm cho mẹ và bé và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong 4 quy trình để đạt được "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc" thì quy trình khó nhất đó là sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện trong việc thực hiện Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 6-11-2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo". Hiện nay, cả nước chỉ có 4 bệnh viện đạt danh hiệu "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc", gồm: Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ; Bệnh viện Trần Văn Thời (TP Cà Mau); Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng và BVĐK tỉnh Quảng Nam.

THẠCH HÀ

Ts.Bs Trần Thị Hoàng -  Phó Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, ở  BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thực hành da kề da kéo dài và liên tục hay còn gọi là phương pháp Kangaroo không chỉ dành cho trẻ non tháng nhẹ cân ổn định, mà trẻ cần hỗ trợ thở, truyền dịch, chiếu đèn vàng da vẫn được da kề da với mẹ hoặc người thân trong gia đình tại các phòng chăm sóc Kangaroo. Có thể kể đến trường hợp của chị Hồ Thị Thuận. Khi sinh con đầu lòng non tháng, lúc mới 26 tuần tuổi, hai vợ chồng chị Thuận thay nhau ôm con trong vòng tay, giữ ấm cho con, giúp  con ổn định nhịp thở, dần dần làm quen với bố mẹ. Chi Thuận xúc động: "Em và chồng vẫn thay nhau ấp con. Có khi em da kề da với con được 12 tiếng trước khi đổi ca cho chồng. Ấp được càng nhiều càng tốt, bé càng khỏe và bú mẹ tốt hơn". Chị Thuận là một trường hợp đặc biệt khi sinh con ở 26 tuần tuổi (sinh non hơn 3 tháng), hiện tại bé đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, hằng ngày chị vẫn vắt sữa cho con ăn và da kề da với con. "Trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nếu được da kề da liên tục ít nhất 20 tiếng mỗi ngày với mẹ hoặc người thân giúp giảm gần 40% nguy cơ tử vong, tỷ lệ nhiễm trùng giảm khoảng 50%, tỷ lệ hạ thân nhiệt giảm 80%, và tăng 50% khả năng trẻ có thể bú mẹ hoàn toàn khi xuất viện"-Ts.Bs Trần Thị Hoàng thông tin.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) khẳng định: "90% bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong thời gian nằm tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Kết quả này xuất phát từ các nỗ lực của bệnh viện nhằm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là việc thực hiện da kề da cho bà mẹ và trẻ sơ sinh liên tục ít nhất 90 phút sau sinh trước khi thực hiện các chăm sóc thường quy, như cân trẻ hay tiêm vaccine".

LÊ HÙNG