Báo Công An Đà Nẵng

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng nên hoạt động theo hình thức nào?

Thứ năm, 25/06/2015 10:02

(Cadn.com.vn) - "Nên chuyển Bệnh viện (BV) Ung thư Đà Nẵng sang hình thức công lập và kiên định mục tiêu ban đầu là khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, đặc biệt là ở Đà Nẵng và Quảng Nam", đây là quan điểm chung của các đồng chí cán bộ cao cấp qua các thời kỳ nghỉ hưu trên địa bàn thành phố khi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố - Trần Thọ "tham vấn" về chủ thể quản lý, hoạt động của BV, khi mà gần đây xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều...

Ông Nguyễn Đình An (trái) và ông Bùi Văn Tiếng cũng như hầu hết các đại biểu đều tán thành việc chuyển BV Ung thư Đà Nẵng sang BV công lập và kiên định mục tiêu nhân đạo, từ thiện như ban đầu đặt ra. 

Nhân hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố và tương đương qua các thời kỳ nghỉ hưu trên địa bàn thành phố vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố và Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã nêu lên vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là BV Ung thư Đà Nẵng nên hoạt động theo hình thức nào cho có hiệu quả? 

Theo Bí thư Thành ủy Trần Thọ, nguồn kinh phí để hình thành, đầu tư xây dựng BV Ung thư trên dưới 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu (khoảng 90%) là từ ngân sách nhà nước của thành phố và ngân sách của trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ đầu tư cho thành phố), số còn lại là vận động tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp (chủ yếu tài trợ bằng các hiện vật).

Mục tiêu của BV Ung thư là chăm lo cho người nghèo, điều trị miễn phí giúp người nghèo khu vực miền Trung, đặc biệt là bệnh nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Cũng theo Bí thư Trần Thọ, hiện nay BV do Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quản lý, trực tiếp điều hành là các bác sỹ nghỉ hưu và các bác sỹ từ các nơi thu hút, điều về đây để làm việc và hưởng một đặc thù riêng, không theo cơ chế chung của cả nước.

Hằng năm, thành phố dùng toàn bộ tiền xổ số kiến thiết (khoảng 120 tỷ đồng) đầu tư cho BV. Tuy nhiên hiện tại, BV muốn duy trì hoạt động bình thường, ngoài tiền bảo hiểm y tế, thì thành phố phải bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng ngân sách để BV chi thường xuyên (cao hơn BV công lập). Và có một thực tế là đến nay, hoạt động của BV Ung thư đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đặt vấn đề và xin ý kiến của các đại biểu là BV nên hoạt động theo hình thức nào cho có hiệu quả?

"Có hai quan điểm về vấn đề này, một là duy trì hình thức BV như hiện nay, có nghĩa là vẫn do Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quản lý và làm chủ sở hữu, và duy trì bộ máy của BV, biên chế, tổ chức, nhân sự như hiện nay để thực hiện mục tiêu nhân đạo từ thiện đã đề ra. Ý kiến thứ hai, là vẫn kiên quyết giữ mục tiêu ban đầu đặt ra là BV chuyên phục vụ, điều trị miễn phí cho người nghèo Quảng Nam, Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Vẫn giữ nguyên mục tiêu đó, làm tốt hơn mục tiêu đó nữa nhưng chuyển mô hình quản lý từ Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh sang BV công lập do Nhà nước quản lý", Bí thư Thành ủy Trần Thọ nêu vấn đề và xin "tham vấn" của các đại biểu tham dự hội nghị. Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết thêm, thành phố đang, sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến để trong thời gian tới đây, Thường vụ Thành ủy sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cho rằng, có một nguyên tắc rất đơn giản là ai đầu tư nhiều tiền nhất, ai chi tiền nhiều nhất thì tất nhiên người đó phải làm chủ. "BV này không thể hoạt động theo kiểu như hiện nay được, mà phải trở thành BV công. Khi công hữu hóa không có nghĩa chúng ta từ bỏ mục tiêu ban đầu đặt ra của nó (điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo Đà Nẵng, Quảng Nam - PV), mà thậm chí có thể làm cho mục tiêu đó tốt hơn, nó hoàn chỉnh hơn nữa. Vấn đề không đến nỗi phải gay cấn quá, cứ theo nguyên tắc ai đầu tư thì người đó làm chủ, thế thôi", ông Nguyễn Đình An nói.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, BV Ung thư phải công lập hóa và phải tiếp tục duy trì, làm tốt hơn mục tiêu cao cả đặt ra là nhân đạo, từ thiện. "Thành phố nên có cơ chế chính sách để thu hút người tài, là vì khác với các BV khác, khi vào đây bệnh nhân hầu hết đều đối diện với bệnh tật hiểm nghèo, vì thế việc thu hút được đội ngũ y bác sỹ không những có tâm mà còn quan trọng hơn là phải có tài, để làm sao trị bệnh cứu người có hiệu quả. Cơ chế chính sách thu hút hiện nay như thế, bằng chính sách riêng như thế thì theo tôi tiếp tục duy trì, thậm chí hơn nữa", ông Tiếng nhìn nhận.

"Khi tôi tham gia lễ khánh thành BV Ung thư, tôi vẫn chưa biết rõ  về mô hình tổ chức, bộ máy quản lý BV như thế nào... Đến nay tôi nghe một cách đầy đủ và biết rằng, kinh phí đầu tư xây dựng BV khoảng 90% là của nhà nước... Có một điều rõ ràng là nhà nước đầu tư thì đó là BV công, không thể là BV tư được. Quan điểm của tôi là vậy", một đại biểu thẳng thắn nói.

Doãn Hùng