Báo Công An Đà Nẵng

Bếp núc thi cử, chuyện bây giờ mới kể (2)

Thứ tư, 15/07/2015 10:30

Bài cuối: Bí mật đến phút chót

(Cadn.com.vn) - Với những người được chọn tham gia vào hội đồng ra đề thi, in sao đề thi, chỉ khi tiếng trống kết thúc giờ làm của môn thi cuối cùng vang lên cùng thông tin từ bên ngoài đưa vào cho biết không có trục trặc gì xảy ra với đề thi, họ mới thở phào nhẹ nhõm, thu xếp tư trang hành lý để lên xe rời khỏi nơi bị “cấm cung” về nhà trong tâm trạng của người vừa hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt. 

Nhiệm vụ bất ngờ

Qua tâm sự của những thầy cô từng tham gia vào công tác ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, được biết: Thông tin về người được chọn tham gia vào hội đồng ra đề thi luôn được giữ bí mật đến giờ phút chót. Ngoài lãnh đạo đầu ngành và các thành viên được triệu tập, không ai được biết về nhiệm vụ này.

Thậm chí, giáo viên (GV) được chọn ra đề thi cũng chỉ được biết trước vài giờ ngày triệu tập. Họ chỉ có một vài giờ để chuẩn bị tư trang cá nhân dùng trong 12 ngày rồi lên đường nhận nhiệm vụ. Trường hợp “biệt lệ” chỉ dành cho các GV nữ. Để cho họ có thời gian sắp xếp công việc gia đình mà vẫn đảm bảo được tính bí mật đến phút chót, các GV nữ thường được thông báo trước một ngày với nội dung: Được cử đi tập huấn tại Hà Nội hoặc TPHCM gì đó...

Khi ô-tô đưa đến địa điểm ra đề thi, các thầy cô được chia theo tổ bộ môn để bố trí phòng làm việc (cũng là nơi nghỉ ngơi). Theo đó, nếu như tổ bộ môn nào có cả GV nam lẫn GV nữ thì phòng làm việc sẽ được bố trí riêng, còn không thì được bố trí chung trong một căn phòng. Nơi ra đề thi hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài và được lực lượng CA bảo vệ bởi 2 vòng...

Tạm gác lại sự bức bối, khó chịu khi bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không điện thoại, không internet..., tất cả bắt tay vào công việc. Đầu tiên, các tổ bộ môn sẽ tổ chức họp nhóm. Nhóm trưởng (hoặc tổ trưởng) sẽ đưa ra ít nhất 5 đề thi của 5 năm gần nhất để các GV tham khảo. Sau khi thống nhất cấu trúc đề thi sẽ ra, các GV bắt tay vào việc soạn câu hỏi rồi gửi cho nhóm trưởng. Mỗi người soạn nhiều câu hỏi khác nhau.

Trên cơ sở cấu trúc đề thi đã được thống nhất trước đó, nhóm trưởng sẽ chọn lọc ra các câu hỏi rồi lấy ý kiến chung cả nhóm. Thông thường, một đề thi được ghép từ nhiều câu hỏi của các GV trong nhóm, không lấy toàn bộ câu hỏi từ một GV. Để hình thành nên một đề thi thì các câu hỏi được chọn lựa phải đảm bảo đúng cấu trúc đề thi đã được thống nhất trước đó, nội dung phạm vi kiến thức phải trải đều trong chương trình dạy- học, cân đối, không có sự trùng lặp... Trong quá trình chọn lựa các câu hỏi để hình thành nên một đề thi luôn diễn ra sự phản biện giữa các thầy cô trong nhóm, cho đến khi thống nhất hoàn toàn, không có chút lợn cợn nào.

Một trong những khâu không kém phần quan trọng đó là vận chuyển bài thi về “đại bản doanh” sau khi kết thúc buổi thi phải được diễn ra an toàn, suôn sẻ. Ảnh có tính chất minh họa.

Hồi hộp đến phút chót

Hoàn tất xong việc ra đề thi vào lớp 10 THPT, tất cả lại bắt tay vào công việc in sao, đóng gói niêm phong đề thi. Thầy Huỳnh Tấn Phúc chia sẻ: “Do phải tập trung cao độ để ra đề thi và in sao đề thi, nên khoảng thời gian này chưa cảm thấy căng thẳng, bức bối. Chỉ đến khi công việc hoàn tất, đề thi được bộ phận đảm nhận trọng trách vận chuyển đến giao cho các HĐT để phát cho thí sinh làm bài, đấy là khoảng thời gian căng thẳng nhất. Tất cả hồi hộp chờ đợi thông tin phản hồi từ bên ngoài đưa vào... Trạng thái căng thẳng đó kéo dài đến khi môn thi cuối cùng kết thúc, thông tin từ bên ngoài vào cho biết đề thi được đánh giá là tốt, không có gì sơ xuất xảy ra, lúc đó, mọi người mới thực sự thở phào nhẹ nhõm như trút đi được gánh nặng...”.

Quy trình in sao đề thi cũng nghiêm ngặt không kém. PGS-TS Ngô Văn Dưỡng cho biết, nếu như các môn thi tự luận việc in sao đề thi tương đối thuận lợi thì đối với các môn thi trắc nghiệm, quy trình in sao rất phức tạp, nhất là những đề thi có độ dài câu hỏi lên đến 6-8 trang. Theo đó, đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nay là kỳ thi THPT Quốc gia, sau khi nhận được đề thi từ Bộ GD-ĐT, công việc đầu tiên là lập biên bản giao nhận với sự chứng kiến của các thành viên sau: CA, Thanh tra, Trưởng Ban in sao đề thi. Sau khi kiểm tra xong, 8 bộ đề thi đã được niêm phong này sẽ được cất vào két sắt, chỉ có Trưởng Ban in sao mới được phép mở ra.

“Việc in sao đề thi được tiến hành theo từng môn thi một. Khi nào in sao đủ số lượng bài thi của môn thi, đề thi đó lại được đem cất vào két sắt. Đối với môn thi tự luận thì không sao, nhưng với các môn thi trắc nghiệm, việc in sao sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Đề thi được lấy ra theo từng tờ một, chứ không được phép lấy hết cùng một lần. Trong trường hợp máy in thông báo giấy bị kẹp dẫn đến trang trắng, việc in sao sẽ dừng lại để kiểm tra, sắp xếp lại theo từng trang một. Chính vì vậy, trong quá trình diễn ra quy trình in sao, mọi người tập trung cao độ vào công việc. Không có sự phân biệt giữa lãnh đạo hay nhân viên, cứ thấy việc là làm. Trong số các đề thi in sao năm nay, đề thi môn Ngoại ngữ phức tạp nhất bởi số lượng in sao rất lớn do có nhiều thí sinh đăng ký dự thi. Đề thi ngoại ngữ lại có độ dài đến 6 trang giấy, in trên 2 mặt, nên cường độ làm việc của 20 thành viên trong hội đồng in sao đề thi rất căng thẳng”, PGS-TS Ngô Văn Dưỡng chia sẻ.

Nhưng có lẽ phức tạp hơn cả chính là thời điểm kết thúc việc cho phép thí sinh điều chỉnh môn thi vào ngày 26-6. Lúc này, công tác in sao đã diễn ra được nửa chặng đường, chỉ cần thông tin về số lượng thí sinh, môn thi có sự điều chỉnh, bộ phận in sao lại phải kiểm tra, sắp xếp lại số lượng đề thi đã được in sao và niêm phong theo từng phòng thi, điểm thi... Công việc này rất phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu kiểm tra.

Sau khi hoàn tất xong công việc,  4 ngày diễn ra kỳ thi, tâm trạng họ cũng căng thẳng không khác gì tâm trạng của các thí sinh đi thi.

Vĩ thanh

Bên cạnh bộ phận ra đề và in sao đề thi, có một bộ phận “hậu cần” làm việc với cường độ không kém phần căng thẳng đó là bộ phận nhập điểm thi vào máy tính. Thầy Phan Minh Anh Tuấn - Trưởng Phòng Khảo thí kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng có thâm niên trên 20 năm trong công tác này cho biết, việc ráp phách, nhập điểm đòi hỏi tính cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác cao. Theo đó, việc nhập điểm của từng thí sinh sẽ được thực hiện hai lần trên hai máy tính để so sánh, đối chứng nhằm tránh sai sót. Thông thường khi nhập điểm, có khoảng 8 người làm, chia làm các cặp độc lập.

Nhằm tạo không khí thi đua trong khi làm việc, mọi người thường đề ra thi đua: hễ ai nhập sai sẽ bị phạt... 1 chai bia. Nếu bộ phận chấm thi căng thẳng trong khoảng thời gian hành chính thì bộ phận nhập số liệu điểm thi vào máy tính lại căng thẳng vào cuối giờ, khi các bài thi chấm xong chuyển xuống nhiều. Vì thế giờ giấc làm việc của bộ phận này thường không cố định, có khi đến 20 giờ họ mới được về nhà.

Có nghe những người được cử, chọn tham gia vào công tác tuyển sinh, đặc biệt là bộ phận ra đề, in sao đề thi và nhập điểm thi vào máy tính mới hiểu được sự vất vả cũng như nỗi niềm công việc thầm lặng này mang lại.

Đằng sau sự thành công của mỗi một kỳ thi là những nỗi niềm rất riêng, khó kể hết ra được...

P.Thủy