Bí ẩn kỳ diệu bức chân dung Leonardo da Vinci
(Cadn.com.vn) - Một trong những bức chân dung tự họa nổi tiếng nhất thế giới đang được trưng bày tại thành phố Turin, Italia. Rất ít thông tin về bức tranh 500 tuổi, dễ vỡ, phai màu vẽ bằng phấn đỏ của Leonardo da Vinci, nhưng nhiều người tin rằng, nó có quyền năng huyền bí.
Truyền thuyết ở Turin cho rằng, cái nhìn của Leonardo da Vinci trong bức chân dung tự họa rất mãnh liệt, đến nỗi những người xem sẽ thấm nhuần sức mạnh tuyệt vời.
Một số người nói, chính sức mạnh kỳ diệu, chứ không phải là giá trị văn hóa và kinh tế của bức tranh, dẫn đến việc nó được bí mật chuyển từ Turin tới Rome trong Thế chiến II, và rơi vào tay trùm phát-xít Hitler để từ đó cho ông thêm sức mạnh. Dù lý do gì, đây là kiệt tác duy nhất từ bộ sưu tập các bản vẽ quý hiếm và bản thảo được lấy đi từ Thư viện Hoàng gia ở Turin vào thời điểm đó.
Bức chân dung tự họa của Leonardo da Vinci. Ảnh: BBC |
Điều kiện bảo quản nghiêm ngặt
Giám đốc thư viện, Giovanni Saccani, cho biết, không ai biết chính xác nơi bức tranh bị giấu. “Để ngăn lính Đức Quốc xã lấy đi, một hoạt động tình báo tuyệt đối bí mật đến Rome được đưa ra”, ông Saccani nói.
Trong những tình huống khó khăn như vậy, vấn đề bảo quản không được thực hiện đúng. “Họ không có kiến thức và kỹ thuật như hiện nay. Đương nhiên, bức tranh không được bảo quản trong tình trạng tốt”, ông Saccani nói. Bên trong Thư viện Hoàng gia, đường thảm đỏ lót cầu thang trải dài xuống hầm ngầm an toàn với cửa được gia cố. Mục đích xây dựng thư viện này là lưu giữ bức chân dung tự họa của Leonardo, hàng ngàn bản vẽ và bản thảo vô giá khác kể từ năm 1998.
Điều kiện bảo quản hiện nay của các bức tranh tương phản hoàn toàn với sự bỏ bê mà chúng phải chịu trong nửa đầu thế kỷ XX. Vì thiệt hại quá lớn và giấy quá mong manh, việc phục hồi sẽ rất phức tạp. Sau khi các chuyên gia trên thế giới phân tích toàn diện và thảo luận phục hồi, họ quyết định giữ nguyên hiện trạng. Kể từ khi được đưa vào thư viện vào năm 1998, tình trạng bức tranh không xấu thêm nữa. “Điều này an ủi chúng tôi vì tôi biết mình làm đúng. Bức tranh vẫn tốt dù 500 năm tuổi”, ông Saccani nói.
Bức chân dung tự họa của Leonardo có giá trị đến nỗi nó là vật thể được nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt. Và việc vận chuyển phải được Nhà nước cho phép. Năm 2011, nó được đưa đến Reggia di Venaria Reale, ngoại ô Turin cho một cuộc triển lãm kỷ niệm 150 năm ngày thống nhất Italia. Quá trình này cực kỳ phức tạp, tinh tế và đắt tiền, nên khó có thể lặp lại thường xuyên trong tương lai.
Thực sự là chân dung tự họa?
Bức tranh là một phần của bộ sưu tập lớn được nhà vua Carlo Alberto của Savoy mua vào năm 1839. Là người mê sưu tập, ông mua nó từ Giovanni Volpato, người đi khắp Châu Âu để sưu tập tranh. Làm thế nào ông tìm được bức tranh của Leonardo vẫn là bí ẩn.
Một số chuyên gia tin rằng, bức tranh phù hợp với phong cách của Leonardo trong thập niên 1490, nhưng chủ đề của bức tranh là một ông già. “Ông ấy không quá quan tâm về ý tưởng tự vẽ chân dung”, James Hall, tác giả của cuốn “Bức chân dung tự họa: một lịch sử văn hóa”, cho biết không tin bức chân dung được vẽ bởi Leonardo. Ông cho rằng, bức tranh nổi tiếng một phần là do sự bí ẩn.
Tuy nhiên, nhiều người khác ít hoài nghi hơn. “Tôi rất hạnh phúc khi tin rằng đó là chân dung tự họa nhưng tôi nghĩ rằng nên để cho mỗi người tự nhận định khi họ nhìn thấy bức tranh”, Liz Rideal, tác giả của hai cuốn sách về bức chân dung tự họa cho biết. Là giám đốc của Thư viện Hoàng gia, ông Saccani không nghi ngờ gì về điều này. “Đó là chân dung tự họa... bất cứ ai đứng trước bức tranh này đều khẳng định điều đó. Sức mạnh biểu cảm của khuôn mặt là khả năng mà chỉ có Leonardo mới có thể sở hữu”, ông Saccani nói.
Trong những tuần tới, 50 người sẽ được phép vào Thư viện Hoàng gia từ 9-18 giờ để chiêm ngưỡng bức chân dung tự họa. Nhiệt độ trong phòng sẽ được hạ xuống để cân bằng với nhiệt độ cơ thể người tỏa ra. Mặc dù có hơn 80 kiệt tác được trưng bày trong triển lãm Những báu vật của Nhà vua- bao gồm các kiệt tác của Leonardo, Raphael, Rembrandt, Perugino và Van Dyck - hầu hết du khách đến đây chỉ với mong muốn có cơ hội hiếm hoi nhìn khuôn mặt của họa sĩ vĩ đại thời Phục hưng.
Có một huyền thoại nói rằng, ngay trước khi tham gia một kỳ thi, học sinh nên dành những phút ôn tập cuối cùng trong Thư viện Hoàng gia, ngay trên căn phòng chứa bức tranh của Leonardo, họ sẽ thông thái hơn.
An Bình
(Theo BBC)