Bí ẩn vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Kỳ 2: Tấn công sai mục tiêu)
Mỹ đã giải thích lỗi bản đồ, dẫn đến việc 5 quả bom dẫn đường bằng GPS tấn công nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Thế nhưng, Bắc Kinh cho rằng, câu chuyện mà Washington đưa ra là "không thuyết phục".
Tổng cục Cung ứng và Mua sắm Liên bang Nam Tư (FDSP) nằm cách Đại sứ quán Trung Quốc hàng trăm mét. Ảnh: BBC |
Vài giờ sau vụ ném bom, bắt đầu có những tin tức khác nhau do hai bên đưa ra. Câu chuyện tiếp tục lòng vòng trong những tháng tiếp theo, đeo đẳng mối quan hệ Mỹ-Trung và vẫn là vấn đề gây tranh cãi cho đến tận bây giờ.
Mỹ nói do lỗi bản đồ
Vụ đánh bom làm thổi bùng lên những đồn đoán, và có rất nhiều những câu hỏi chưa được giải đáp cùng những thông tin thiếu hụt, đủ để một số người nghĩ đến việc tồn tại một âm mưu to lớn nào đó. Mối nghi ngờ vẫn tiếp tục lơ lửng quanh vụ việc, và nhiều tháng sau đó, 2 tờ báo Châu Âu cho rằng, đây là hành động tấn công cố ý. Nhưng, như các cựu quan chức NATO chỉ ra, trong 20 năm qua không hề có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh được điều mà hầu như cả Trung Quốc tin tưởng trong khi Mỹ dứt khoát bác bỏ: đó là một vụ việc cố ý.
Chỉ vài giờ sau vụ đánh bom, Mỹ và NATO nhanh chóng tuyên bố đó là một vụ tai nạn. Trong khi đó, đại diện của Trung Quốc tại LHQ cáo buộc đó là "tội ác chiến tranh" và là "hành động man rợ". Tại Brussels, Jamie Shea, phát ngôn viên người Anh của NATO, thức dậy vào giữa đêm và được thông báo ông cần đối diện với truyền thông quốc tế vào sáng hôm sau. Các thông tin có được vào đầu giờ sáng hôm đó rất ít ỏi, nhưng ông đã đưa ra một trong những lời giải thích đầu tiên liên quan tới những gì đã xảy ra, kèm theo đó là lời xin lỗi. Ông cho rằng, các máy bay chiến đấu đã "tấn công nhầm vào tòa nhà". "Đây giống như một vụ tai nạn tàu hỏa hay một vụ tai nạn ô-tô- quý vị biết điều gì đã xảy ra, nhưng lại không biết tại sao nó lại xảy ra", ông nói sau đó 20 năm. "Cần rất nhiều thời gian để xác định xem lý do là gì. Nhưng điều rất rõ ràng ngay từ ban đầu, là việc tấn công nhằm vào một Đại sứ quán nước ngoài không phải là một phần kế hoạch của NATO", ông khẳng định.
Phải mất hơn một tháng sau, Mỹ mới đưa ra lời giải thích đầy đủ cho Bắc Kinh về vụ việc. Theo đó, một loạt các lỗi cơ bản đã dẫn đến 5 quả bom dẫn đường bằng GPS tấn công nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc, trong đó có một quả bom xuyên qua mái dinh thự của Đại sứ nằm ngay bên cạnh tòa nhà chính nhưng không nổ tung, khiến ngài Đại sứ thoát chết. Các quan chức cho biết, mục tiêu thực sự là trụ sở của Tổng cục Cung ứng và Mua sắm Liên bang Nam Tư (FDSP) - một cơ quan nhà nước nhập khẩu và xuất khẩu thiết bị quốc phòng. Tòa nhà văn phòng màu xám này vẫn còn đó cho đến ngày nay, nằm cách Đại sứ quán Trung Quốc vài trăm mét.
Trung Quốc bác bỏ
Theo lời giải thích, trong lúc vội vàng tìm kiếm hàng trăm mục tiêu mới để duy trì các cuộc tấn công trên không, CIA, thường không can dự đến việc lựa chọn mục tiêu, đã quyết định ném bom FDSP. Nhưng cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ cho biết họ đã sử dụng một bản đồ tồi. "Nói một cách đơn giản, một trong những chiếc máy bay của chúng tôi đã tấn công sai mục tiêu vì các hướng dẫn ném bom dựa trên bản đồ đã lỗi thời", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là William Cohen cho biết, 2 ngày sau vụ đánh bom. Ông đang đề cập đến một bản đồ của chính phủ Mỹ dường như không hiển thị vị trí chính xác của Đại sứ quán Trung Quốc cũng như FDSP.
Tất cả các sĩ quan tình báo Mỹ đã có địa chỉ của FDSP- 2 Bulevar Umetnosti và kỹ thuật điều hướng quân sự cơ bản đã được sử dụng để ước tính tọa độ của đối tượng. Kỹ thuật được sử dụng rất không chính xác, Giám đốc CIA George Tenet sau đó nói, cho biết, đó là kỹ thuật không bao giờ nên được sử dụng để chọn mục tiêu ném bom từ trên không. Theo ông Tenet, sai sót ban đầu bị làm phức tạp hóa lên, cơ sở dữ liệu tình báo và quân sự được sử dụng để kiểm tra chéo các mục tiêu đã không liệt kê địa chỉ mới của Đại sứ quán Trung Quốc, trong khi trên thực tế rất nhiều nhà ngoại giao Mỹ đã thực sự bước chân vào trong tòa nhà này.
Nhưng điểm mấu chốt trong lời giải thích của CIA khiến nhiều người khó tin đó là: làm sao một quân đội tiên tiến nhất thế giới đã ném bom một thành viên HĐBA LHQ và là một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất chiến dịch không kích của NATO lại phạm sai lầm chỉ vì lỗi bản đồ. Không có người Trung Quốc nào tin vào điều đó. Họ cho rằng, câu chuyện mà Mỹ đưa ra là "không thuyết phục". "Chính phủ và người dân Trung Quốc không thể chấp nhận kết luận rằng vụ đánh bom là một sai lầm", Ngoại trưởng Trung Quốc nói với đặc phái viên Mỹ cử đến Bắc Kinh vào tháng 6-1999 để giải thích những gì đã xảy ra.
AN BÌNH (Còn nữa)