Bí ẩn vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Kỳ 3: Cơn thịnh nộ của người Trung Quốc)
Sau vụ đánh bom, hàng ngàn người biểu tình Trung Quốc giận dữ kéo nhau xuống đường, đập phá, ném đá vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Cơn giận dữ cũng nổ ra ở Thượng Hải và nhiều thành phố khác. Họ cho rằng, "máu của người Trung Quốc phải được trả bằng máu".
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc James Sasser bị mắc kẹt ở Đại sứ quán suốt 4 ngày khi các cuộc biểu tình nổ ra. Ảnh: BBC |
Ngay sáng hôm sau, ngày 8-5-1999, David Rank, một nhà ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh, rời khỏi giường. Ông bật tivi và chuyển sang kênh CNN. Hãng tin tức Mỹ đang phát hình ảnh trực tiếp của Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade sau vụ tấn công.
Chiều hôm đó, hàng ngàn người biểu tình Trung Quốc giận dữ tập trung bên ngoài. Nhưng khi đó, ông Rank vẫn khá bình tĩnh. Ông gọi cho lãnh đạo, người đứng đầu bộ phận chính trị: "Jim, ông biết đây, đây là điều tồi tệ nhất". Nhà ngoại giao vội vã từ nơi cư trú đến Đại sứ quán Mỹ cũng nằm ngay trên cùng tuyến đường. Ở đó, các quan chức Mỹ đang cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra. Rõ ràng là có chuyện xảy ra, chắc chắn phải là một sai phạm đầy bi kịch. "Rõ ràng đó là một tai nạn chiến tranh. Vào thời điểm đó, tôi không nghĩ rằng đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng", ông Rank nói.
Tấn công Đại sứ quán Mỹ
Trong những giờ tiếp theo, phản ứng của chính phủ và người dân Trung Quốc bắt đầu trở nên rõ ràng. Ông Rank bắt đầu nhận được cuộc gọi từ những người bạn Trung Quốc, những người đang phẫn nộ về vụ đánh bom. Các nhà báo Mỹ cũng nhận được các cuộc gọi tương tự từ các đối tác Trung Quốc có quan điểm ủng hộ Mỹ. Họ sốc và cảm thấy bị phản bội. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra quan điểm rõ ràng: Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách ném bom một cơ quan ngoại giao của Trung Quốc.
Đến chiều hôm đó, hàng ngàn sinh viên kéo nhau xuống đường phố Bắc Kinh. Họ tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ và mọi thứ nhanh chóng leo thang thành bạo lực. "Họ gỡ những viên đá lát đường. Họ gỡ những viên gạch lớn trên vỉa hè Bắc Kinh, đập vỡ chúng và ném vào tường". Nhiều mảnh bê-tông rơi xuyên qua cửa sổ của tòa nhà, nơi có hơn 10 nhân viên đại sứ quán, trong đó có Đại sứ James Sasser. Xe trong Đại sứ quán cũng bị đập phá, tấn công. Họ đưa ra thông điệp rất rõ ràng: vụ đánh bom là có chủ ý và, như một khẩu hiệu được hô vang: "Máu của người Trung Quốc phải được trả bằng máu". Các cuộc biểu tình tiếp tục vào ngày hôm sau, với số người tham gia ngày càng nhiều thêm.
Một số báo cáo cho biết, con số này lên đến 100.000 người. Họ xông vào khu ngoại giao, và ném đá, sơn, trứng và bê tông vào các Đại sứ quán Anh và Mỹ. Các cuộc biểu tình ở quy mô này là chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Biểu tình khắp nơi
Cơn giận dữ không chỉ nổ ra ở Bắc Kinh. Đám đông cũng xuống đường ở Thượng Hải và các thành phố khác vào cuối tuần đó. Ở Thành Đô, nơi tọa lạc của Lãnh sự quán Mỹ cũng bị phong tỏa. Weiping Qin, 19 tuổi, lãnh đạo sinh viên tại trường Đại học Hàng hải ở phía nam thành phố Quảng Châu, cho biết những người biểu tình không được thông báo rằng NATO đã xin lỗi vì những gì họ nói là một tai nạn.
Một nhà ngoại giao Mỹ, Rank cũng cho rằng, sự tức giận là có thật. Từ đầu những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch phối hợp để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và "giáo dục lòng yêu nước". Đối với Liu Mingfu - một đại tá Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã nghỉ hưu, người được biết đến với quan điểm cứng rắn đối với Mỹ, vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade là một phần trong loạt sự kiện chứng minh, Mỹ có tham dự vào cuộc "Chiến tranh Lạnh mới chống Trung Quốc". "Đó hoàn toàn là có chủ ý. Đó là một vụ đánh bom có chủ đích, có kế hoạch, chứ không phải là một tai nạn", ông nói.
Trung Quốc lẽ ra nhận được 28 triệu USD tiền bồi thường từ Mỹ cho vụ ném bom này, nhưng phải trả lại gần 3 triệu USD để bù đắp cho các thiệt hại ở Tòa nhà ngoại giao của Mỹ tại Bắc Kinh và các nơi khác. Mỹ cũng trả thêm 4,5 triệu USD nữa cho gia đình những người thiệt mạng và bị thương trong vụ ném bom.
AN BÌNH (Còn nữa)