Bí ẩn vụ Mỹ thuê tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã
(Cadn.com.vn) - Cùng với những sự kiện động trời do cựu nhân viên Cục Tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp cho báo chí là một tin khác bị che giấu nhiều thập kỷ qua đã được hé lộ. Đó là chương trình thuê mướn bí mật các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã sau khi Thế chiến II kết thúc.
Theo The Daily Beast ngày 3-8, cuối tháng 6 vừa qua, James Claper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NSA) lại một lần nữa “làm xiếc” trước Ủy ban tình báo Thượng viện về chương trình tuyệt mật mà cơ quan này và Bộ Tư pháp Mỹ “ém nhẹm” gần 7 thập kỷ, thuê mướn bí mật các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã để phục vụ cho lợi ích của Mỹ sau khi Thế chiến II kết thúc.
Chỉ 3 ngày sau khi phát-xít Đức đầu hàng Đồng minh hồi tháng 5-1945, Washington khởi động một dự án tuyệt mật này. Cuối năm 1945, các nước đồng minh cố gắng đưa các tội phạm chiến tranh ra xét xử tại Nuremberg, đội quân liên ngành giữa quân đội và tình báo của Mỹ lại thực hiện dự án đi ngược lại.
Wernher von Braun, người từng làm cho Đức Quốc xã nay lại làm thuê cho Mỹ. |
Tội phạm chiến tranh thành chuyên gia
Chuyện bắt đầu vào ngày 10-5-1945, tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) ra một chỉ thị tối mật gồm 10.000 từ, lệnh cho tướng Dwight D. Eisenhow, Tổng tư lệnh các lực lượng đồng minh ở Tây Âu tìm kiếm và thu dung tất cả những người từng làm việc cho Đức Quốc xã, kể cả những người có tên trong danh sách tội phạm chiến tranh chờ xét xử.
Thậm chí trong chỉ thị của JCS còn ghi rõ không được để lọt bất cứ người nào. Chỉ thị trên của JCS được Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Chiến tranh phê duyệt, áp dụng cho cả các đồng minh là Anh, Pháp, cho phép các nhân viên tình báo của 3 quốc gia này bí mật thuê mướn các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã và không cho phép đưa những người này ra xử tại Nuremberg.
Một năm trước khi chiến tranh kết thúc, các nhà khoa học đồng minh và những người đứng đầu ngành công nghiệp bí mật gặp nhau tại London để hoàn tất một danh sách các nhà khoa học của Đức và Áo thuộc diện thẩm vấn để thuê mướn. Hầu hết những người có tên trong danh sách đều thuộc đảng viên Đảng Quốc xã, các tổ chức Đức Quốc xã hoặc những người đang đứng đầu các dự án quan trọng do Đức Quốc xã chủ trì, một số là tù binh và nô lệ. Tòa án Nuremberg xác định, tội phạm chiến tranh là những người từng giữ các chức vụ quan trọng trong các ngành công nghiệp Đức Quốc xã và những dự án nghiên cứu về chiến tranh, hoặc các nhà khoa học liên quan đến sản xuất vũ khí nguy hiểm.
Theo nguồn tin của Newsweek, Mỹ bí mật thuê được hơn 2.000 tội phạm của Đức Quốc xã. Một trong những mục tiêu của chiến dịch là do Mỹ nhận ra rằng Liên Xô sớm muộn sẽ trở thành kẻ thù của họ, nên hoảng sợ, đi trước đón đường, mua rẻ trí tuệ của những người đang bị sa cơ lỡ vận. Để giúp dự án thuận lợi, chính tướng Eisenhower nghĩ ra kế hoạch thành lập phân ban có tên Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt và lệnh cho Phân ban tình báo quân đội (CIC) phối hợp tìm kiếm, thẩm tra, phân loại tội phạm chiến tranh đưa đến Nuremberg. Thậm chí Eisenhower còn ủy quyền cho CIC thuê mướn những người này, hay còn gọi là kế hoạch “Operation Daisy”.
Việc khai thác các nhà khoa học Đức và Áo tại Mỹ có tên là Dự án Project PaperClip được Tổng thống Harry Truman phê duyệt. Việc Mỹ khai thác và “bán” công sức của các nhà khoa học trong dự án này ra sao đến nay vẫn chưa tiết lộ nhưng nhờ Project PaperClip, Washington “giải cứu” nhiều tên tội phạm chiến tranh nguy hiểm là điều có thực. Trong số này có John McCloy, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), Luật sư cho hãng hóa chất IG Farben những năm 1930, kẻ cùng ngồi với Hitler tại Thế vận hội Berlin năm 1936. Đó là Wernher von Braun, nhà khoa học từng là sĩ quan SS nay lại trở thành “nhân vật chủ chốt” của Cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong các dự án quan trọng về Apollo.
Ngoài ra còn nhiều nhân vật tai to mặt lớn, với nhiều tội danh nguy hiểm dưới thời Hitler nay lại trở thành chuyên gia lỗi lạc, như Hubertus Strughold - cha đẻ của ngành y học vũ trụ dưới thời Đức Quốc xã... Nhiều tên tội phạm khét tiếng còn được mời tham gia dự án MK-ULTRA, nhằm nghiên cứu kiểm soát tâm trí con người, gây bức xúc dư luận mà đích thân Tổng thống Mỹ Clinton phải xin lỗi công khai dư luận hồi năm 1995.
Đầu xuôi đuôi có lọt?
Tháng 8-1946, Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình Tổng thống Harry Truman phê duyệt báo cáo mang tên “Khai thác tạm thời các chuyên gia Đức, Áo tại Mỹ”, được Nhà Trắng thông qua, kèm theo một bố cáo ngắn 200 từ, đại ý: “Bộ chiến tranh chịu trách nhiệm... để loại trừ những người đã từng làm việc cho Đức Quốc xã hoặc liên quan đến chiến tranh tham gia vào chương trình”.
Để hạn chế những rắc rối về sau, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao còn đưa ra lời mời tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã, cách ngụy trang che mắt dư luận kiểu này giúp Mỹ “được ăn, được nói”. Nhưng đáng tiếc những lời mời trên chỉ là bánh vẽ, rất nhiều người không có đủ tiêu chí để xin visa vào Mỹ. Theo tài liệu mang tên “Kẻ thù hữu ích” vừa được giải mã, những người có công giúp Mỹ, đặc biệt là nhóm tội phạm Đức Quốc xã muốn nhập cảnh vào Mỹ và trốn tránh truy nã đã được hướng dẫn làm lại lý lịch.
Huy Hùng
(Theo TDB/MLG)