Bỉ bùng nổ tranh cãi đạo luật "cái chết êm dịu"
(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 11, Ủy ban các vấn đề Xã hội và Tư pháp Thượng viện Bỉ bỏ phiếu tán thành dự luật “cái chết êm dịu” đối với nhóm vị thành niên mắc các loại bệnh nặng không thể cứu được. Tuy nhiên, để trở thành đạo luật thì phải có sự đồng ý của Hạ viện, vì vậy vấn đề trên đang trở thành đề tài “nóng” tranh cãi trong dư luận.
“Cái chết êm dịu” là thuật ngữ mới mẻ ra đời trong thời gian gần đây từng được nhiều nơi trên thế giới áp dụng như Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Italia, Canada, Thụy Sĩ, Luxemburg và 3 bang của Mỹ.
“Cái chết êm dịu” hay còn gọi “an tử” là cách giải thoát duy nhất đối với nhóm người mắc bệnh nan y, vô phương chữa, phải chịu đau đớn trong thời gian dài mà không còn hy vọng sống. Ngoài vấn đề đạo đức, nếu không được quản lý tốt, việc áp dụng “cái chết êm dịu” dễ bị lạm dụng, cướp sự sống của con người hoặc tội ác núp dưới danh nghĩa “lương thiện”.
Bỉ đang tính áp dụng “cái chết êm dịu” cho trẻ bệnh nặng. |
“Cái chết êm dịu” cho trẻ bệnh nặng
Rất nhiều bậc cha mẹ ở Bỉ có con cái mắc bệnh hiểm nghèo hiện muốn chính phủ phê duyệt đạo luật nói trên đối với nhóm vị thành niên (dưới 18 tuổi) càng sớm càng tốt.
Chẳng hạn như trường hợp của chị Linda Van Roy có con gái Ella Louise, 10 tháng tuổi, mắc bệnh thoái hóa bẩm sinh. Đây là căn bệnh đột biến di truyền hiếm gặp, gây nhiễm độc tế bào thần kinh, hủy hoại hệ thống thần kinh, khiến Louise không ăn uống được, nhưng lúc nào cũng đau đớn khó chịu. Không ai muốn con mình phải từ giã cõi đời, nhưng chứng kiến cảnh con bị đau gần 10 tháng trời, chị Linda chỉ muốn “tặng con” liều thuốc để giúp con nhanh chóng thoát khỏi nỗi đau trần thế.
Thực ra, Bỉ cho phép áp dụng “án tử” cách đây 11 năm nhưng đối với nhóm người trưởng thành, còn ở trẻ nhỏ thì đang tranh cãi. Năm 2002, Brussels chính thức áp dụng đạo luật này cho những người “đau khổ về thể chất lẫn tinh thần một cách liên tục không thể chịu đựng được, nó không giảm bớt và không còn hy vọng chữa khỏi”. Đó là những gì được nêu trong đạo luật, nhưng nếu áp dụng ở nhóm vị thành niên, việc này cần hết sức thận trọng. Đối với người trưởng thành, chính người bệnh phải có đề nghị áp dụng luật “cái chết êm dịu”, tự họ chứng minh khả năng không chịu được đau và không còn hy vọng cứu chữa.
Còn ở nhóm vị thành niên, nhất là những đứa trẻ còn nhỏ tuổi thì phải có sự đồng ý của cha mẹ, đặc biệt là sự lựa chọn quyền sống cho trẻ.
Lựa chọn khó khăn, gây tranh cãi
Trong tháng 11, 16 bác sĩ nhi khoa của Bỉ viết bức thư ngỏ gửi lên chính phủ đề nghị ban hành đạo luật này cho nhóm trẻ vị thành niên.
Một trong số 16 vị bác sĩ nói trên có bác sĩ Gerlant van Berlaeur đến từ Đại học Mở Brussels. Ông cho rằng, việc áp dụng “cái chết êm dịu” đối với trẻ nhỏ từng được các bác sĩ thực hiện cho các trường hợp “vô phương cứu chữa” như ung thư hoặc các loại bệnh gây đau đớn không thể chịu đựng được. Còn theo bác sĩ Kenneth Chambaere đến từ Đại học Brussels, ngay sau khi đạo luật được áp dụng cho người lớn năm 2002, nhu cầu tăng lên nhanh chóng.
Mặc dù mới được Thượng viện phê duyệt, Quốc hội Bỉ vẫn còn phải chờ cái gật đầu của Hạ viện. Tuy nhiên, ngoài những kinh nghiệm từ việc áp dụng đạo luật ở người lớn, chính phủ Brussels còn tham khảo kinh nghiệm của Hà Lan, nơi từng áp dụng đạo luật này ở nhóm người hơn 12 tuổi nhưng với điều kiện có sự đồng ý của cha mẹ. Tính từ năm 2002, khi đạo luật này được ban hành mới chỉ có 5 người được áp dụng.
Bà Sonja Devetler, y tá chăm sóc hơn 200 trẻ bị bệnh nặng cho biết, dù bị tật nguyền và gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa có đứa trẻ nào được bà chăm lại muốn chấm dứt cuộc sống. Một trong những bệnh nhân của bà là Izabela Sacewicz, mắc bệnh Huntington từ khi mới chào đời. 8 năm trước, Sacewicz lúc nào cũng sùi bọt mép nhưng lại là học sinh thông minh và đứng đầu lớp. Bây giờ, Sacewicz đã bước sang tuổi 18, tuy không tự ăn uống, đi lại được nhưng đầu óc vẫn minh mẫn.
Nhưng mới đây, mẹ Sacewicz đến thăm, khuyên con gái nên chọn “cái chết êm dịu”. Sacewicz lắng nghe, không trả lời, mặt em căng thẳng, điều này khiến những người đứng xung quanh không cầm được nước mắt.
Kim Hùng
(Theo CNN)