Bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, chịu hình phạt nặng nhất trong vụ án
Ở giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc về các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "Rửa tiền", “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc đã lừa đảo hơn 30.869 tỷ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỷ đồng.
Sau gần 1 tháng xét xử, HĐXX TAND TP HCM đã làm rõ nhiều nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo và có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc tập đoàn này. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu; họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI chọn và sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gồm: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống (gồm 308.691.388 trái phiếu) để huy động vốn, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 bị hại. HĐXX xác định, tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã hoàn thành khi người dân chuyển tiền để mua các lô trái phiếu.
Sau khi thực hiện hành vi: “Tham ô tài sản” của Ngân hàng SCB và hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua chỉ đạo các nhân sự phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo: Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000 tỷ đồng do phạm tội mà có. Do đó, việc truy tố xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 8 bị cáo khác về tội: “Rửa tiền” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trịnh Quang Công phối hợp cùng Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng khống giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty “ma” thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Thông qua các hợp đồng khống này, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Tổng số Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỷ USD (tương đương 106.000 tỷ đồng). Quá trình lập hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam, mặc dù hồ sơ thiếu nhiều giấy tờ theo quy định nhưng các bị cáo là lãnh đạo Ngân hàng SCB vẫn ký các lệnh chuyển tiền. Các bị cáo đã lợi dụng hoạt động thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối của ngân hàng để thực hiện hành vi vận chuyển tiền qua biên giới, đây là phương thức, thủ đoạn mới. Do đó, HĐXX nhận định, việc truy tố, xét xử các bị cáo về tội: “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” là đúng quy định của pháp luật.
Xét vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội:“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;12 năm tù về tội:“Rửa tiền”; 8 năm tù về tội: “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Đồng phạm với bị cáo Trương Mỹ Lan trong cả 3 tội danh trên, các bị cáo: Trương Khánh Hoàng (cựu quyền TGĐ SCB) bị tuyên phạt tổng cộng 23 năm tù; Nguyễn Phương Anh (cựu Phó TGĐ Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) tổng cộng 16 năm tù và Trịnh Quang Công (cựu TGĐ Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen) tổng cộng 15 năm tù.
4 bị cáo bị xét xử về 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, gồm: Võ Tấn Hoàng Văn (cựu TGĐ SCB) bị tuyên phạt tổng cộng 17 năm tù, Nguyễn Hữu Hiệu (cựu Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Square Việt Nam) tổng cộng 12 năm tù, Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) tổng cộng 10 năm tù và Nguyễn Vũ Anh Thi (cựu TGĐ Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam) tổng cộng 9 năm tù.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó TGĐ SCB) bị tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "Rửa tiền". 20 bị cáo bị xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị tuyên phạt từ 2 đến 10 năm tù; 4 bị cáo bị xét xử về tội: "Rửa tiền", trong đó có bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), bị tuyên phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Tô Thị Anh Đào (cựu Phó TGĐ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị phạt 2 năm 6 tháng tù về tội: “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
T.H