Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục phủ nhận vai trò “nhiếp chính” tại SCB và chủ mưu phát hành trái phiếu “khống”
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn; là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bị cáoTrương Mỹ Lan đã chủ trì họp bàn với các bị cáo là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhằm chọn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” rồi chào bán bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng bị cáo buộc đã cùng các đồng phạm chạy dòng tiền “khống” để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư) thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu. Tính đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
Tuy nhiên, khi trả lời các câu hỏi của Luật sư bào chữa tại phiên tòa ngày 24-9 cũng như trả lời HĐXX vào buổi xét xử chiều 23-9, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận cáo buộc chỉ đạo chủ trương cho cấp dưới phát hành trái phiếu “khống”. Bị cáo Lan khẳng định: “Không biết gì liên quan đến trái phiếu", “Không liên quan đến việc phát hành trái phiếu”, “Phát hành trái phiếu là chủ trương là của SCB; tài sản thu từ phát hành trái phiếu đều do Ngân hàng SCB nắm giữ”.
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan khai, năm 2018, Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đã chết) thường than thở về vấn đề SCB “lâm vào bế tắc” do thường xuyên bị thanh, kiểm tra. Do đó, Nguyễn Phương Hồng ngỏ ý muốn mượn các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, toàn bộ chủ ý là của Nguyễn Phương Hồng. Cũng theo khai báo của bị cáo Trương Mỹ Lan, “khi mượn công ty phát hành trái phiếu, Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch Cty chứng khoán Tân Việt) nói: "Mọi thông tin tụi em đã công bố, nghiệp vụ của tụi em, chị không phải lo. Thành nói đã công bố thông tin rộng rãi là gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo, người dân tin tưởng thì mua”.
Cũng tại phiên tòa này, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận đã tham gia vào việc tái cơ cấu SCB nhưng khẳng định không nắm rõ tình hình tài chính của ngân hàng này, cũng như không tham gia bất cứ hoạt động nào của SCB. Theo bị cáo Lan, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mời bị cáo tham gia tái cơ cấu vì bị cáo có tài sản, có mối quan hệ, kêu gọi nhà đầu tư trong nước, ngoài nước. Bị cáo đã dốc hết tâm huyết vào việc tái cơ cấu SCB; huy động gia đình, bạn bè trong và ngoài nước để có tài sản đưa ngân hàng này thoát khỏi cảnh khó khăn. Theo bị cáo Lan, mục đích ban đầu là muốn giúp SCB vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc cho các công ty phát hành trái phiếu vay đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cam kết tìm mọi cách khắc phục thiệt hại cho trái chủ. Theo đó, bị cáo kê khai tổng tài sản có thể dùng để bồi thường, bao gồm tiền mặt, tài sản bị thu giữ, cổ phiếu và cổ phần, với tổng giá trị lên tới hơn 21.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bị cáo cũng đề nghị HĐXX thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng mà các ngân hàng và tổ chức khác đã nhận được từ việc phát hành trái phiếu. Như vậy có hơn 38.000 tỷ đồng để trả tiền lại cho 35.824 bị hại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định, sẵn sàng bán đi những tài sản giá trị như tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) và dự án 6A tại huyện Bình Chánh có diện tích 26ha để bồi thường cho các bị hại. Theo bị cáo Lan, nguồn tiền khắc phục từ 2 dự án trên đã hơn 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Lan cũng nói sẵn sàng sử dụng siêu dự án "Amigo" tại trung tâm TPHCM để bù đắp thiệt hại cho các trái chủ...
T.H