Báo Công An Đà Nẵng

Bị chó cắn, đến thầy cúng trước khi đến cơ sở y tế

Thứ hai, 05/03/2018 21:00

Những ngày qua, người dân thôn Bà Ha, xã Ba Xa, H. Ba Tơ, Quảng Ngãi vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc Phạm Văn Thách, 22 tuổi (ở cùng thôn) tử vong sau khi bị chó dại cắn.  Chị Phạm Thị Siêu (vợ anh Thách) kể, trước Tết, anh Thách đến nhà người thân ở xã Ba Vì, H. Ba Tơ chơi thì bị một con chó con cắn vào đầu ngón tay chảy máu. Cón chó này vừa được chủ nhà đem từ Kon Tum về. Vì nghĩ chó cắn bình thường nên anh Thách không đi chích ngừa. Gần 1 tuần sau thì con chó cắn anh Thách chết đột ngột. Anh Phạm Văn Thách cũng bắt đầu lên cơn đau. "Gia đình đưa anh Thách nhập viện Trung tâm y tế H. Ba Tơ một đêm, rồi chuyển ra bệnh viện Quảng Ngãi nhưng không kịp vì anh ấy phát bệnh dại nặng, gia đình đưa về nhà một ngày rồi lên cơn co giật, la ó rồi qua đời".

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương xã Ba Vì, Ba Xa cũng đã tiêu hủy số chó trước đó có cắn người. Trung tâm y tế H. Ba Tơ phối hợp với chính quyền địa phương đã đưa hơn 20 người dân là người thân, hàng xóm của Phạm Văn Thách đến Trung tâm y tế chích thuốc ngừa dại. Trung tâm y tế H. Ba Tơ cũng đã huy động tăng cường huyết thanh chống dại để tiêm cho người dân 2 xã Ba Xa và Ba Vì. Bác sĩ Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ  cho biết: "Trung tâm y tế cũng gửi tờ rơi và tuyên truyền cộng đồng cho người dân về việc thực hiện biện pháp phòng chống bệnh dại. Đồng thời theo dõi tình hình diễn biến khu vực xuất hiện chó dại".

Gia đình, người thân, hàng xóm của Phạm Văn Thách tập trung đến Trung tâm y tế Ba Tơ chích ngừa bệnh dại.

Điều đáng nói, theo lời chị Siêu thì sau khi bị chó cắn, anh Thách không chịu đi chích ngừa bệnh dại mà tìm đến thầy cúng trừ bệnh và uống thuốc không rõ nguồn gốc. Vài ngày sau, anh Thách bắt đầu sốt cao, co giật và phát bệnh dại, khi đến Trung tâm y tế huyện thì không thể cứu chữa dẫn đến tử vong. Bác sĩ Phạm Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế H.Ba Tơ cho biết: "Nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa nhận thức thấp nên khi đau ốm thường không đến ngay cơ sơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Do tập quán lâu đời, người dân hay tìm đến thầy cúng. Đến lúc bệnh nặng mới xuống y tế thì đã muộn". Thời gian qua, mặc dù ngành y tế, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền người dân không tin vào cúng bái chữa bệnh, cũng như đẩy mạnh công tác y tế đến tận bản làng, đến tận nhà. Tuy nhiên do nhận thức còn hạn chế, tập quán lâu đời ăn sâu vào đời sống nên nhiều người vẫn có thói quen tin vào cúng bái trừ bệnh. Nhiều người mỗi khi bị gia súc cắn, hay bị đau ốm thì điều trước tiên họ tìm đến thầy cúng. Việc dần xóa bỏ thói quen của nhiều người dân ở vùng miền núi về cúng bái chữa bệnh là vấn đề không phải một sớm một chiều.

Thời gian sau Tết trở lại đây số người đến các trung tâm y tế trong tỉnh chích ngừa dại tăng đột biến gấp 5, 6 lần so với ngày thường. Được biết tình trạng chó nuôi thả rông và cắn người vẫn còn phổ biến, trong khi đó nhiều trường hợp chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn hoặc tự điều trị bằng thuốc nam. Khi người bị nhiễm bệnh dại lên cơn thì không có bất cứ loại thuốc nào có thể chữa khỏi. Tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối với các ca nhiễm. Bệnh này chỉ có thể điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Theo Bác sĩ Đặng Thị Phượng cho biết, hiện ngành y tế và chính quyền địa phương H. Ba Tơ tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không tin vào cúng bái để ngăn chặn bệnh chó dại bùng phát và hội chứng dày sừng lòng bàn tay, bàn chân làm hàng chục người tử vong, cũng như những hệ lụy khác từ tập tục thầy cúng gây ra. Bác sĩ Phượng khuyến báo, ngay cả chó nuôi trong nhà, ngoài việc tiêm phòng còn phải thường xuyên theo dõi, nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) thì phải nhốt ngay lại. Mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày. Khi bị chó dại cắn, người bị cắn cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại. Thực tế cho thấy 100% các ca chó dại cắn nhập viện muộn hầu hết đều tử vong. Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ tử vong do bệnh dại ở Quảng Ngãi còn tăng lên, bởi người dân chủ quan trong phòng bệnh và sai lầm khi điều trị bằng thuốc dân gian chưa được kiểm chứng khoa học.                                                                                                                                                                                                                                                                                                   T.Sự