Báo Công An Đà Nẵng

Bi hài chuyện vận động học sinh ra lớp

Thứ hai, 25/09/2017 12:20

Tôi hiện là giáo viên, trường tôi đang dạy là ngôi trường THCS và THPT của một huyện miền núi. Gần như cuộc họp hội đồng nào nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp báo cáo sĩ số và nghe cấp trên nhắc nhở sự cần thiết của việc không để học sinh bỏ học. Điều đó cho thấy tình trạng học sinh bỏ học luôn là nỗi lo canh cánh.

Đến trường. Ảnh minh họa

Năm học này, ngay từ đầu năm, nhà trường đã có danh sách những học sinh có nguy cơ bỏ học và phân công giáo viên “đỡ đầu”. Bằng cách này hay cách khác, không để học sinh bỏ học giữa chừng, phải vận động học sinh ra lớp, đây được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. 

Thường thì ở trường tôi, chỉ cần học sinh nghỉ hai ngày không phép là giáo viên sẽ tìm cách liên hệ với gia đình liền. Không để học sinh bỏ học. Cố gắng là vậy nhưng có nhiều trường hợp vận động thành công và cũng có những trường hợp giáo viên đành... “bó gối”.

Tôi từng lội bộ mấy cây số vào tận rẫy, thuyết phục phụ huynh, kêu gọi em Hờ Giao đang học lớp 6 quay trở lại trường. Đến nhà mới biết, học trò nghèo quá, không có phương tiện đến trường nên bỏ học. Ngay sau đó, tôi vận động được xe đạp cho em đến trường. Vui mừng thay, em ấy tiến bộ rất nhiều sau khi được nhận sự giúp đỡ.

Nhưng tiếc thay, những trường hợp như thế không nhiều. Có ai hiểu rằng, dù chúng tôi không ngại khó để đưa học sinh ra lớp thì sự cố gắng ấy vẫn chỉ có kết quả ít nhiều. Tôi nói “ít nhiều”, bởi không phải lúc nào công tác vận động cũng có kết quả tốt. Học sinh bỏ học giữa chừng thường có những lí do rất “chính đáng”.

Có em nghịch phá, vi phạm kỷ luật rồi tuyên bố không muốn học và bỏ trường, bỏ lớp. Có trường hợp đi học bữa đực bữa cái vì lo phụ kinh tế gia đình, tới nhà vận động thì bỏ xứ đi làm luôn. Có trường hợp đang học rồi yêu đương, có “sự cố” nên nghỉ học lấy chồng. Tiếc nhất là những trường hợp cha mẹ có điều kiện, sẵn sàng cho con ăn học tới nơi tới chốn nhưng con cái nhất quyết không chịu học. Những trường hợp như vậy là “bất khả kháng”, đâu thể cột dây mà kéo nó tới trường – tôi từng nghe một phụ huynh bất lực nói như vậy.

Xung quanh chuyện vận động học sinh ra lớp cũng có nhiều vấn đề để ngẫm nghĩ lắm. Thật buồn vì tới bây giờ mà vẫn còn có rất nhiều phụ huynh chưa đánh giá được tầm quan trọng của việc học. Kiểu như khi học sinh bỏ học, giáo viên tới nhà vận động thì phụ huynh ra điều kiện hay đưa ra những lí do vô cùng chính đáng để “ủng hộ” chuyện bỏ học của con. Như trường hợp em T, em thuộc diện thi lại nhưng không tham gia phụ đạo trong hè, không tham gia thi lại. Đầu năm không ra lớp thì giáo viên tới nhà vận động. Phụ huynh bảo: “Thầy cô cho lên lớp thì nó học, còn ở lại lớp thì nghỉ chứ học chi”. Cái lý lẽ này thì giáo viên thiệt không biết phải vận động sao.

Rồi trường hợp của em Y . M. Nhà em nghèo, nhà trường, xã hội đã giúp đỡ rất nhiều. Xe đạp, sách vở, áo quần, giày dép đều được hỗ trợ. Tất tật những khoản đóng góp ở trường của em đều được giáo viên nhận “đỡ đầu”. Tôi còn hứa với gia đình em, tôi sẽ đóng hết những khoản đóng góp ở trường suốt những năm em học phổ thông (trường tôi là trường cấp 2-3) nhưng đầu năm học này em lại không ra lớp. Tới nhà vận động thì phụ huynh bảo: “Phải có người giữ em thì Y. M mới đi học được”. Cái lý do này thì chịu, tôi thực không biết phải giúp đỡ em thế nào?

Còn nhớ, năm ngoái, một em học sinh nữ lớp 9 nghịch ngợm trong giờ học. Giáo viên bộ môn nổi giận nên gọi đứng lên nhắc nhở. Khi đứng lên trước lớp, em bất ngờ ngã. Nhân viên y tế đưa em ra trạm xá và liên hệ với gia đình để cùng chăm sóc. Hai ngày sau đó em không đến trường, giáo viên tới nhà thì phụ huynh “khó chịu” nói: “Học sinh nữ lớn rồi mà giáo viên quở phạt trước bạn bè, em xấu hổ, giờ không chịu ra học nữa. Phải chi thầy cô đừng la nó. Giờ em nó đòi nghỉ học, tui cũng chẳng biết ép sao?”.

Tôi kể ra đây những chuyện “bi hài” quanh việc vận động học sinh ra lớp để mọi người hiểu và thông cảm cho giáo viên. Chẳng có thầy cô nào muốn học trò của mình bỏ ngang việc học nhưng nhiều khi chúng tôi cũng “lực bất tòng tâm”.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN