Báo Công An Đà Nẵng

Bi kịch “Rồng phu nhân” (5)

Thứ ba, 07/06/2011 00:00

>> Bi kịch “Rồng phu nhân” (4)

Kỳ cuối: những điều còn lại...

(Cadn.com.vn) - Trần Lệ Xuân - cái tên có ý nghĩa là mùa xuân đẹp mà những ngày ngồi ở đỉnh cao quyền lực, Lệ Xuân thường giải thích với mọi người chung quanh như vậy. Thế nhưng, kể từ sau ngày 1-11-1963, khi chính quyền nhà Ngô sụp đổ, trên bước đường lưu vong, Lệ Xuân mới bắt đầu nhận ra, cái tên của mình là mùa xuân đầy nước mắt, đầy những bi kịch cùng tận kiếp người...

Sau khi xác nhận rõ nguồn tin hai anh em Diệm - Nhu đã bị hạ sát sau vụ đảo chính, nỗi đau tang gia chưa nguôi thì Trần Lệ Xuân lại được tin mẹ chồng là bà Ngô Đình Khả (Phạm Thị Thân) hơn 90 tuổi tạ thế tại Huế. Lệ Xuân cùng các con không được về nước chịu tang mẹ chồng và bà nội. Cả Giám mục Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Luyện cũng không được về nước chịu tang thân mẫu. Đó là chưa kể, trước đó, ông Ngô Đình Cẩn - một người em chồng khác nổi tiếng ngoài miền Trung của Lệ Xuân đã bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình tại Việt Nam sau khi ông Diệm bị lật đổ.

Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy thường gắn bó bên nhau. 

3 năm sau những biến cố ấy, thì Ngô Đình Lệ Thủy - trưởng nữ của Lệ Xuân lại qua đời đột ngột do tai nạn giao thông tại Paris. Ngày 13-12-1984, gia đình nhà Ngô lại nhận được tin Giám mục Ngô Đình Thục đã từ trần tại một chủng viện Hoa Kỳ sau khi bị Tòa thánh Vatican rút phép thông công. Nơi đất khách quê người, những năm đầu, hầu như cuộc sống gia đình bà Trần Lệ Xuân đều do ông Ngô Đình Thục chu cấp, kể cả việc tài trợ cho 3 đứa con bà ăn học. Khi được tin Giám mục Ngô Đình Thục qua đời, mấy mẹ con bà Nhu định sang Mỹ phục tang, nhưng do có chuyện xích mích trong gia đình họ Ngô, nên ông em út Ngô Đình Luyện, không cho mẹ con Lệ Xuân sang Mỹ dự tang lễ.

Đến ngày 28-7-1986, bà Lệ Xuân nhận được điện thoại của người em ruột là ông Trần Văn Khiêm báo tin song thân là ông bà Trần Văn Chương đã qua đời nhưng không rõ nguyên nhân. Sau đó có được tin Trần Văn Khiêm bị cảnh sát Mỹ bắt giữ do có liên quan đến cái chết của song thân. Cụ thể là pháp luật nghi ngờ ông Khiêm đã ra tay sát hại cha mẹ, vì không được hưởng quyền thừa kế. Vì lý do nào đó, Lệ Xuân cũng không thể qua Mỹ chịu tang cha mẹ.

Trần Lệ Xuân và thú vui chơi nhạc. 

Năm 1990, người em út của ông Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Luyện cũng qua đời tại Paris vì bệnh. Mẹ con bà Nhu cũng không sang dự tang.

Như vậy, kể từ ngày lưu vong, trong mấy chục năm, bà Trần Lệ Xuân đã phải chứng kiến 10 cái tang phần lớn đều bất đắc kỳ tử, và phần lớn bà không được tham dự tang lễ.

Tháng 11-1986, Lệ Xuân đồng ý trả lời câu hỏi trong một cuộc trao đổi thư với tờ The New York Times. Trong các tuyên bố đó, bà vẫn tiếp tục đổ lỗi cho Hoa Kỳ về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam và giam giữ em trai bà. Khi được hỏi về cuộc sống hằng ngày, bà đã viết, “cuộc sống bên ngoài, như viết và đọc, chưa bao giờ có thú vị đủ để nói đến, trong khi đời sống nội tâm, hơn cả một bí mật, là một bí ẩn mà không thể nào dễ dàng để tiết lộ như vậy”. Chính vì vậy, nhiều người đồn đãi và chờ đợi tập sách hồi ký của bà chung quanh những bí ẩn thời chính thể Diệm - Nhu tại miền Nam.

Thế nhưng, ngay khi Trần Lệ Xuân vừa qua đời hồi cuối tháng 4-2011 vừa qua, luật sư Trương Phú Thứ (hiện sống tại Seattle, Hoa Kỳ) - một người thân tín của bà cho hay: “Cuốn sách của bà Nhu nói về những chuyện cao hơn, xa hơn như thế nữa. Thí dụ các vấn đề tâm linh, sự hiện diện của con người, của Thượng đế... Bà cũng nói về một vài vấn đề mà mọi người muốn biết, như chuyện gia đình, đời tư của bà từ khi còn nhỏ đi học ở Hà Nội, hay lớn lên đi lấy chồng ra sao. Tôi chắc là độc giả nhiều người tò mò, muốn biết những chuyện này. Nhưng tựu trung, cuốn sách của bà Nhu sẽ nói về những chuyện cao hơn và xa hơn; và phải đợi đến khi nào sách ra thì độc giả mới có cơ hội đọc và chiêm nghiệm. Nói về quá trình viết sách thì mấy năm qua, lúc hứng thú thì bà viết được nhiều, lúc không hứng thì có khi cả nửa tháng bà không viết chữ nào. Bản thảo đều chuyển cho tôi, và hiện tôi đang có trong tay. Cuốn sách hiện còn trong tình trạng dở dang, chừng độ 500 trang, nhưng phần cuối thì còn chưa hoàn tất...”. Ông Thứ cũng nói rằng, ông đang có trong tay tập bản thảo các bài viết của bà Trần Lệ Xuân bằng tiếng Pháp do chính bà dịch sang tiếng Italia, Anh và Việt Nam, tập trung thành một cuốn sách sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.

Ngoài Ngô Đình Lệ Thủy đã qua đời, những người con còn lại của Trần Lệ Xuân là Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh và Ngô Đình Lệ Quyên đều rất thành đạt. Những người này nay đã ở tuổi ngoài 50, 60 hấp thụ văn hóa phương Tây và không quan tâm nhiều đến quá khứ của gia đình họ Ngô.

Về cuộc đời, con người của Trần Lệ Xuân sẽ còn nhiều những điều chưa biết, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi hy vọng đã giúp độc giả nắm và hình dung được những mốc thời gian, việc làm và cả những cực khổ mà “Rồng phu nhân” đã trải qua.

Trần Trung Sáng