Bí mật chương trình hạt nhân tên lửa Triều Tiên
(Cadn.com.vn) - Triều Tiên đã trưng bày rất nhiều tên lửa trong cuộc diễu hành quân sự hoành tráng hồi tháng 4 vừa qua. Nhưng theo giới phân tích, đó dường như chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Liệu chúng ta thực sự biết gì về khả năng tên lửa của Triều Tiên?
Các nước ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều hệ thống tên lửa mới, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) trong cuộc diễu hành kỷ niệm ngày sinh Lãnh tụ Kim Nhật Thành hôm 15-4. Đối với người dân Triều Tiên, đó là minh chứng rõ ràng về sức mạnh công nghệ và sự thịnh vượng. Đối với các nước khác, đó là mối đe dọa.
Thời gian ông Kim Jong-Un lên nắm quyền là những năm Triều Tiên thử tên lửa ngày càng nhiều, thách thức các lệnh trừng phạt của LHQ. Nhưng liệu chúng có thể cho thấy điều gì khác trong khả năng tên lửa của Triều Tiên?
Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đứng bên tên lửa ICBM KN-08 |
Scud và thời “khai thiên lập địa”
Nói đến chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên không thể không nói đến tên lửa “huyền thoại” Scud.
Năm 1979, Tổng thống Ai Cập Anat Sadat chuyển số lượng nhỏ các tên lửa Scud của Liên Xô sang Triều Tiên như một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn về hợp tác về công nghệ tên lửa. Bình Nhưỡng sau đó đảo ngược thiết kế của Scud, bắt đầu sản xuất và thử nghiệm tên lửa của chính họ, được gọi là Hwasong-6 và Hwasong-7 có tầm bắn vài trăm ki-lô-mét. Sau đó, Triều Tiên từng bước biến đổi Scud tạo ra tên lửa được gọi là Nodong có tầm bắn lên đến 1.000 - 1.300km. Cuối cùng, Bình Nhưỡng bắt đầu tập hợp những động cơ Nodong để tạo ra tên lửa Unha-3, tên lửa không gian đã đưa các vệ tinh lên quỹ đạo trong tháng 12-2012 và tháng 2-2016.
Dù “gia đình tên lửa” Scud không phải là loại tiên tiến hiện đại nhất, nhưng các tên lửa này đáng tin cậy và tương đối rẻ. Nodong có năng lực hạt nhân và Triều Tiên thậm chí đã xuất khẩu loại tên lửa này đến Pakistan và Iran.
Tạo tên lửa có thể dễ dàng “tàng hình”
Gần đây, Triều Tiên tiếp tục chế tạo tên lửa mới dựa trên thiết bị tên lửa đạn đạo R-27 của Liên Xô, có thể tấn công các lực lượng Mỹ ở Guam.
Tên lửa này, được gọi là Musudan, được phô diễn trong các cuộc diễu hành quân sự trong nhiều năm, nhưng Triều Tiên chỉ bắt đầu thử nghiệm nó vào năm 2016. Nó cũng chính là nỗi khốn khổ lớn nhất của Triều Tiên. Bình Nhưỡng thử tên lửa này rất nhiều lần, thậm chí thử đến 8 lần trong năm 2016, nhưng chỉ một lần thành công đáng chú ý là vào tháng 6-2016. Nhưng những thay đổi sau mỗi lần thử là điều thú vị cần lưu ý. Và điều quan trọng hơn nữa, tên lửa này có thể có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Gần như tất cả các tên lửa của Triều Tiên đều là di động đường bộ. Điều này có nghĩa là Triều Tiên có thể liên tục di chuyển các tên lửa khắp đất nước trên những chiếc xe tải. Những chiếc xe tải này có thể được giấu trong đường hầm, kho hàng, và boongke quân sự và khó bị phát hiện.
Một tên lửa chưa rõ định danh mà Triều Tiên công bố hôm 15-4. Ảnh: CNN |
Tên lửa có thể phóng từ nước
2016 là một năm quan trọng đối với chương trình tên lửa đạn đạo phóng tàu ngầm của Triều Tiên. Sau những thất bại nặng nề vào năm 2015, Bình Nhưỡng bắt đầu có tiến bộ về tên lửa mang tên Pukguksong.
Sử dụng bệ phóng dưới nước, các kỹ sư Triều Tiên trước đây đã có thể đạt được thành công phóng tên lửa như vậy nhưng không thể có được bệ phóng để chiếu sáng hoặc đạt tầm nhìn tốt. Sau khi thử nghiệm động cơ rắn (không phải lỏng như thường thấy) vào tháng 4-2016, Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ngày càng thành công. Bình Nhưỡng tuyên bố, tàu ngầm mang theo tên lửa này có thể tiếp cận và tấn công căn cứ Mỹ ở đảo Guam, thậm chí cả Hawaii. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những SLBM này gần như không đáng lo ngại như SLBM của Mỹ hay Nga. Tàu ngầm Triều Tiên cũng to và dễ bị phát hiện. Vì vậy, họ cho rằng, những tên lửa này mang tính “phô trương uy thế” hơn là sử dụng thực tế.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, Triều Tiên đang đầu tư rất nhiều vào việc đại tu tàu ngầm tại Sinpo. Vì vậy, đây chỉ là sự khởi đầu của chương trình. Tên lửa KN-17 mà Triều Tiên phô trương gần đây cũng đang được thử nghiệm gần Sinpo. Tên lửa đạn đạo chống tàu trên đất liền này đã 2 lần thất bại, nhưng điều quan trọng là thông điệp của nó: “Mỹ, Hàn và Nhật nên cẩn thận”.
Tên lửa có thể sử dụng nhiên liệu rắn
Vào tháng 2-2017, Triều Tiên thử nghiệm phiên bản SLBM rắn trên đất liền, được gọi là Pukguksong-2. Đây là tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn đầu tiên của Bình Nhưỡng. Tên lửa có tầm bắn khoảng 2.000km. Ưu điểm của tên lửa này là thời gian chuẩn bị phóng rất nhanh chỉ khoảng vài chục phút.
Triều Tiên thường dựa vào nhiên liệu lỏng như Scuds. Nhiên liệu này đáng tin cậy và rẻ tiền, nhưng nó ăn mòn và không thể lưu trữ trong tên lửa. Điều này có nghĩa là các đoàn vận chuyển tên lửa phải đi cùng với những chiếc xe tải và ô-tô oxy hóa, khiến chúng dễ bị các vệ tinh phát hiện. Tuy nhiên, nhiên liệu rắn có thể được lưu giữ trong tên lửa, tạo thời gian quý giá cho một vụ phóng nếu xảy ra chiến tranh.
Cuộc diễu hành quân sự hôm 15-4 cho thấy Triều Tiên đang ưu tiên sử dụng nhiên liệu rắn trong chế tạo tên lửa bằng cách trưng bày 2 loại tên lửa ICBM nhiên liệu rắn. Tháng 9-2016, Triều Tiên phóng một loạt 3 tên lửa đạn đạo. Tháng 3-2017, họ tung ra thêm 4 tên lửa nữa. Việc phóng một số tên lửa đồng thời có nghĩa là việc theo dõi và đánh chặn chúng khó hơn. Và đó cũng là thách thức đối với THAAD, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ vốn đã hoạt động tại Hàn Quốc.
Triều Tiên có tên lửa tầm xa?
Câu hỏi thu hút người Mỹ nhiều nhất hiện nay là liệu Triều Tiên có thể triển khai một tên lửa nhắm trúng vùng lãnh thổ của Mỹ hay không.
Lý do chính để có một ICBM là sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân. Triều Tiên phát triển ICBM từ năm 2012. Tên lửa đầu tiên bị chỉ trích là “giả mạo” nhưng theo thời gian, Bình Nhưỡng có nhiều cải tiến đáng tin cậy. Trong cuộc diễu hành hôm 15-4, Triều Tiên phô trương 2 ICBM nhiên liệu rắn khác nhau trong đó cho thấy một KN-08 đã thay đổi đáng kể. Năm 2015, Triều Tiên gây bất ngờ khi giới thiệu một ICBM được gọi là KN-14. Năm 2016, họ rò rỉ những hình ảnh và đoạn băng về các kết cấu cần thiết cho một ICBM. Đầu tiên, Triều Tiên công bố bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đang đứng bên một tên lửa KN-08 và một đầu đạn hạt nhân có thể được gắn trên đó. Sau đó, họ mô phỏng thử nghiệm một vụ phóng ICBM.
Hai tên lửa ICBM nhiên liệu rắn mới được nhìn thấy trong cuộc diễu hành hôm 15-4 cũng cho thấy năng lực ICBM của Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, Bình Nhưỡng mới hoàn thiện chương trình sản xuất ICBM. Thử nghiệm và hoàn thiện là hai điều khác nhau. Có vẻ như Triều Tiên sẽ thử nghiệm KN-08 trong khung thời gian này vì nó gần như đã hoàn thành. Nhưng điều lo ngại là nó cũng có thể sẽ thất bại nhiều lần trước khi có thể được triển khai.
Khả Anh