Báo Công An Đà Nẵng

Bí mật ngành đánh bắt cá Thái Lan

Thứ bảy, 15/03/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Theo báo cáo mới của Tổ chức sáng lập Công lý Môi trường (EJF), ngành công nghiệp đánh bắt cá và hải sản Thái Lan thu về khoảng 7 tỷ USD/năm, liên quan đến việc khai thác đáng kể các lao động nhập cư, hầu hết từ các nước láng giềng Myanmar và Campuchia. Những lao động này bị bóc lột sức lao động và bị đối xử rất tàn bạo.

Điều kiện tàn bạo

Khi rời khỏi Myanmar cách đây một năm, Tay nghĩ rằng, anh sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở Thái Lan. Nhưng mọi việc không như mong muốn. Tay trở thành nạn nhân của chế độ nô lệ thời hiện đại. Tay may mắn trốn thoát sau 9 tháng làm việc trên tàu. Bằng cách giả vờ bị bệnh, anh được đưa lên bờ và chạy trốn đến Pattaya, một thị trấn nghỉ mát ở phía Nam Bangkok, và ở nhờ trong một ngôi chùa. Hiện Tay vẫn ở đó và không biết tương lai sẽ ra sao.

Câu chuyện của Tay không phải là duy nhất. Nhiều người khác cũng kể về điều kiện khắc nghiệt trên các tàu đánh cá. Một nhóm 14 người đàn ông từ Myanmar được giải cứu từ các thuyền vào năm ngoái kể với EJF rằng, một ngày họ phải làm việc 20 giờ mà không có lương và bị thủy thủ đoàn đánh đập. Theo báo cáo từ EJF, một số lao động còn bị giết và bị ném xuống biển.

Họ sống tại một nơi trú ẩn của chính phủ ở phía Nam Thái Lan được gần một năm, hầu hết chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để về nhà hơn là tìm kiếm công lý, ông Steve Trent, Giám đốc sáng lập của EJF, cho biết.

Sự gia tăng số lao động cưỡng bức trên thuyền đánh cá của Thái Lan gắn với nhu cầu ngày càng tăng về hải sản giá rẻ trên toàn cầu và nguồn thủy sản ít đi vì đánh bắt quá mức. Tàu thuyền đánh cá phải thực hiện các chuyến đi dài hơn, công việc khó khăn hơn và ít hấp dẫn đối với người lao động trong nước.

Ngành công nghiệp đánh bắt cá mang về cho Thái Lan khoảng 7 tỷ USD/năm. Ảnh: CNN

Áp lực phải thay đổi

Năm ngoái, Bangkok công bố kế hoạch hành động quốc gia để ngăn chặn nạn buôn bán người và hỗ trợ các nạn nhân. Cùng với các hiệp hội đánh bắt cá quốc gia và các nhóm hành động dân sự, Bộ Lao động Thái Lan đã hỗ trợ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện báo cáo năm 2013 về người lao động bị cưỡng bức trong lĩnh vực đánh bắt cá.

Báo cáo cho thấy, 1 trong 6 người làm việc trên tàu đánh cá dài ngày quyết định không làm nữa, song thừa nhận rằng đại đa số người lao động trong lĩnh vực này là người Thái Lan và họ làm việc tự nguyện. “Có những lo ngại liên quan đến lao động cưỡng bức trong ngành công nghiệp đánh bắt cá”, Max Tunon, cán bộ cao cấp của ILO, cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ và EJF quan ngại, những nỗ lực Thái Lan trong việc ngăn chặn buôn bán người trong nước do nạn tham nhũng trong hệ thống các quan chức thực thi pháp luật. Theo một báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2013, bộ phận kiểm soát biển và hải quân Thái Lan kiểm tra 608 tàu đánh cá vào năm 2012 nhưng không tìm thấy trường hợp lao động bị ép buộc.

Tay cho biết, anh chứng kiến cảnh sát nhận hối lộ từ các chủ tàu có các lao động không có giấy tờ. Nhưng ông Trent tin rằng, mối liên hệ giữa các quan chức, chủ thuyền và người lao động có thể còn trắng trợn hơn. “Chúng tôi đã ghi nhận bằng chứng cho thấy nhiều chiếc xe cảnh sát vận chuyển nạn nhân bị buôn bán người và bán cho các chủ thuyền làm nô lệ”, ông Trent nói.

Thái Lan hiện đang bị xếp hạng 2 trong danh sách các nước có trong báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ và sẽ bị tụt xuống hạng 3 nếu tình hình không được cải thiện. Kết quả tồi tệ này có thể kéo theo việc viện trợ quốc tế bị rút lại cũng như các giới hạn về nhập khẩu thủy sản.

An Bình

(Theo CNN)