Bí mật trong các cuốn băng của Osama Bin Laden
(Cadn.com.vn) - Sau cuộc xâm lược của Mỹ ở Afghanistan vào năm 2001, trùm khủng bố Osama Bin Laden bị buộc rời khỏi thành phố Kandahar, nơi y đã sinh sống kể từ năm 1997. Một số tòa nhà bị bỏ trống, trong đó có một ngôi nhà nằm đối diện Bộ Ngoại giao Taliban, nơi Al-Qaeda thường xuyên hội họp. Bên trong đó có 1.500 băng cassette đang chờ được khám phá.
Một gia đình Afghanistan tìm thấy các cuộn băng và nhanh chóng đưa đến một cửa hàng băng đĩa địa phương. Nhưng một người quay phim làm việc cho CNN nghe nói về chuyện này, đã đến thuyết phục chủ cửa hàng bán lại số băng, cho biết, nội dung của chúng có thể rất quan trọng. Ông đã đúng. Đó được coi là thư viện âm thanh của Al-Qaeda.
Thư viện âm thanh của Al-Qaeda
Số băng này cuối cùng được chuyển đến cho nhóm Dự án truyền thông Afghanistan tại Trường Cao đẳng Williams ở Massachusetts. Họ yêu cầu Flagg Miller - chuyên gia về văn học và văn hóa Arab của Đại học California nghiên cứu về nội dung trong các cuộn băng. Ông là người duy nhất đã nghe đầy đủ số băng này. “Tôi không ngủ trong 3 ngày để nghĩ về những gì đã được yêu cầu”, ông Miller nói, nhớ lại ngày nhận được 2 thùng băng đầy bụi vào năm 2003.
Hơn 1 thập kỷ qua, ông Miller viết một cuốn sách về những phát hiện của mình, mang tên “The Audacious Ascetic”, khám phá bộ sưu tập độc đáo này. Các cuộn băng được ghi vào cuối những năm 1960 đến năm 2001 và chứa giọng nói của 200 người khác nhau – trong đó có Osama Bin Laden.
Ông Miller nghe cuộn băng đầu tiên năm 1987 - ghi âm trận chiến giữa lực lượng thánh chiến Afghanistan-Arab và Tư lệnh Liên Xô Spetsnaz. Bin Laden rời khỏi nhà ở Saudi Arabia, nơi y lớn lên trong giàu sang, để chiến đấu chống Liên Xô. “Bin Laden muốn xây dựng hình ảnh một phiến quân hiệu quả, song đó không phải là công việc dễ dàng. Nhưng y rất tinh vi và tự tiếp thị hình ảnh của mình, và các cuộn băng trong bộ sưu tập này chứa một phần câu chuyện mà trùm khủng bố đã làm”, ông Miller nói.
Bộ sưu tập còn có bài phát biểu của Bin Laden những năm cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990 trước nhiều người dân ở Saudi Arabia và Yemen. “Điều thú vị là những gì Bin Laden nói về cách thức bán đảo Arab đang bị đe dọa. Nhưng ai là kẻ thù? Không phải là Mỹ hay phương Tây như chúng ta thường nghĩ. Đó chính là người Hồi giáo”, ông Miller nói.
Flagg Miller và các cuộn băng của Al-Qaeda. Ảnh: BBC |
Công cụ tuyên truyền hiệu quả
Băng cassette là công cụ hoàn hảo để truyền đạo và tuyên truyền nên không có gì lạ khi Bin Laden đã sử dụng cách này. Chúng dễ dàng được chia sẻ, chuyển từ người này sang người khác, ít bị kiểm duyệt hoặc không bị chú ý. Chúng cũng rất phổ biến tại Trung Đông và thế giới Arab.
Các cuộn băng chủ yếu là các bài giảng và bài phát biểu. Tuy nhiên, trong số đó có một cuốn ghi lại cuộc trò chuyện với một vị thần – gọi là Jinni trong tiếng Arab - người đã nhập vào cơ thể của một người đàn ông. “Vị thần” này tuyên bố về các âm mưu chính trị, song Bin Laden được cho là không mê tín như vậy. Ngoài ra còn có cuộn băng về những bài quốc ca Hồi giáo - những bài hát có khả năng khích lệ chiến đấu mang thông điệp thánh chiến - công cụ tuyển dụng chính. “Đối với nhiều người, đây là cách gia nhập thánh chiến - thông qua trái tim”, ông Miller nói.
Cái tên bất ngờ xuất hiện trong một đoạn băng là Mahatma Gandhi (người được coi là vị thánh của người Ấn Độ và là cựu thủ lĩnh đảng Quốc đại Ấn Độ) - người được trích dẫn như một nguồn cảm hứng của Osama Bin Laden trong bài phát biểu vào tháng 9-1993. Đây cũng là bài phát biểu đầu tiên mà Bin Laden kêu gọi mọi người ủng hộ hành động chống Mỹ... bằng cách tẩy chay hàng hóa của Washington.
“Dưới áp lực của Mỹ, y bị tước quyền công dân Arab vào năm 1994. Vì vậy, Bin Laden cảm thấy tuyệt vọng, dẫn đến việc y kích động những người ủng hộ cực đoan, và điều này được thể hiện trong bài phát biểu năm 1996 tại Tora Bora”, ông Miller nói. Bài phát biểu năm 1996 này được coi là tuyên bố chiến tranh của Bin Laden.
Ngoài ra, bộ sưu tập còn có bài phát biểu của Bin Laden tại đám cưới của một vệ sĩ, trong đó ám chỉ vụ tấn công 11-9-2001, vài tháng trước khi xảy ra thảm họa này.
An Bình
(Theo BBC)