Bị nôn quá nhiều khi mang thai, bạn cần làm gì?
Buồn nôn và nôn (hay còn gọi là ốm nghén) là tình trạng phổ biến của thai kỳ. Các triệu chứng nôn thường xuất hiện trong khoảng 9 tuần đầu và có xu hướng giảm khoảng sau 20 tuần, nhưng đôi khi kéo dài hơn. Không quan trọng thời gian kéo dài bao lâu, mà chính việc nôn suốt ngày đêm có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho người mẹ, bao gồm mất nước, giảm cân và suy dinh dưỡng. Trường hợp nặng, sản phụ có thể cần điều trị thuốc, nằm viện hoặc chăm sóc tại nhà.
Khi bị nôn quá nhiều, bạn cần lưu ý:
1. Nghỉ ngơi
Ở tất cả các giai đoạn, cách đối phó quan trọng nhất là nghỉ ngơi. Sự mệt mỏi chỉ làm tình trạng nôn và cảm giác buồn nôn nghiêm trọng hơn.
2. Ăn những gì có thể và ăn bất kỳ lúc nào có thể
Không cần suy nghĩ nhiều về việc tuân thủ chế độ ăn trong quá trình mang thai, bạn chỉ cần lưu ý ăn bất kỳ thứ gì có thể giữ lại trong dạ dày. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ (có thể 6-8 bữa), ăn nhiều lần trong ngày để giảm tình trạng tăng tiết dịch dạ dày, mỗi lần ăn một ít giúp dễ tiêu hóa. Trong chế độ ăn thông thường cho thai, quá nhiều muối và đường không tốt cho bạn. Nhưng khi bạn không thể ăn uống gì khác được, đây có thể là nguồn calo, nước và muối duy nhất trong ngày.
3. Tránh bị mất nước
Nhấp một ngụm nước bất cứ khi nào nếu có thể. Nếu bạn không thể uống nước, hãy thử hút các viên đá làm bằng nước trái cây, nhấm nháp rất chậm qua ống hút hoặc thậm chí chỉ giữ viên đá trong miệng. Nếu điều này không hiệu quả, bạn cần nhập viện để được tiêm thuốc chống nôn và truyền dịch.
4. Tránh các yếu tố kích thích cảm giác buồn nôn
Tạm thời tránh xa bếp để không ngửi mùi thức ăn. Các cửa sổ phòng cần được mở. Bạn nên đi mua sắm nếu có thể.
5. Mang theo "dụng cụ nôn nghén"
Bạn nên luôn mang theo một túi xách nhỏ gồm các túi nilon hoặc túi nôn, khăn ướt và một chai nước để đối phó với các cơn nôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Thạc sĩ - bác sĩ ĐỒNG THỊ HỒNG TRANG