Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Bị phạt đến 25 triệu đồng nếu giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Thứ hai, 04/04/2016 08:59

(Cadn.com.vn) - Ông Trương Công Thành, trú Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi làm việc cho một công ty (CT) cổ phần. Hiện CT đang giữ các văn bằng chính của tôi và yêu cầu sau khi kết thúc hợp đồng lao động (HĐLĐ), nếu không có vấn đề gì với CT thì CT sẽ trả lại các giấy tờ này. Việc làm này của CT có đúng pháp luật không?

Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời:

Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động, khi giao kết HĐLĐ, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động (NLĐ) và yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ. Ngoài ra, NĐ 88/2015/NĐ-CP sửa đổi NĐ 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài... có quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ; buộc NLĐ thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ. Về biện pháp khắc phục hậu quả, NĐ này cũng quy định: buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của NLĐ và buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của NLĐ cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt. Như vậy, CT của ông Thành đã giữ các văn bằng chính của ông trái với quy định của pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác của

Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Điện thoại tư vấn: 0905102425