Báo Công An Đà Nẵng

“Bí quyết” dân vận của Đà Nẵng...

Thứ tư, 15/10/2014 08:40

(Cadn.com.vn) - Thực tiễn xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong những năm qua cho thấy, những chính sách đúng đắn của thành phố đã thuận với lòng dân, luôn đứng về phía người dân, được nhân dân hưởng ứng thực hiện. Một Đà Nẵng mới với diện mạo văn minh, hiện đại như ngày hôm nay chính là kết quả của ý Đảng lòng Dân. Đó không chỉ là kết quả của công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận của chính quyền, công tác vận động quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân mà còn là kết quả của “hành động dân vận tự giác của nhân dân”...

Quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố môi trường, thành phố “5 không”, “3 có”, các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng an ninh, an sinh xã hội... là những chính sách nổi bật mà Đà Nẵng đã triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thực tế cho thấy, sau 17 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh về nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Có thể coi một trong những thành quả nổi bật nhất trong quá trình phát triển, đó chính là tạo được sự đồng thuận trong công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. “Có được kết quả này, một phần là do trong những năm qua, Đà Nẵng đã làm tốt công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền, vì thế đã khơi dậy sức mạnh lòng dân, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển thành phố”, ông Phạm Quý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận.

Lực lượng CATP Đà Nẵng tham gia trồng cây xanh tại xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang).

Ông Quý viện dẫn: Minh chứng rõ nhất là đến thời điểm này, thành phố đã giải tỏa hơn 100 nghìn hộ dân ở hầu hết các khu vực trên địa bàn. Việc thực hiện chủ trương quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị của thành phố đụng chạm rất lớn đến quyền lợi của người dân nhưng đều được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện tốt chủ trương, không để xảy ra những vụ việc nổi cộm hay khiếu kiện đông người. Điều đó khẳng định chủ trương “Khai thác quỹ đất, tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị” cũng như thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của thành phố là một chủ trương và cách làm đúng, được các tầng lớp nhân dân thành phố đồng tình, ủng hộ và nó đã trở thành nguồn lực to lớn, ủng hộ, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có làm mới nảy sinh vấn đề, đã làm đụng chạm, xuất hiện nhiều việc từ thực tiễn cần tháo gỡ mà nổi cộm là sự bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn... Những vấn đề này thực sự là nỗi trăn trở, băn khoăn của các cấp lãnh đạo thành phố; cũng là nỗi âu lo, thậm chí làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Không còn cách nào khác là phải xắn tay vào làm. Từ người lãnh đạo cao nhất của thành phố, đầu tiên là Bí thư Thành ủy Trần Thọ, tiếp đến là các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, UBND thành phố... lần lượt xuống cơ sở, kiểm tra đất thực tế tại các khu tái định cư để “trả nợ” cho dân, kết thúc thời kỳ dai dẳng “dân chờ đất, đất chờ dân”. Giải quyết một cách công khai, minh bạch, nhanh chóng... nên một lần nữa củng cố thêm niềm tin cho nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại trong quá trình quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị có thể thấy, một trong những kinh nghiệm quý báu mà Đà Nẵng chắt lọc được trong công tác dân vận của chính quyền thành phố là “Đảng nói - dân tin, Mặt trận và đoàn thể vận động - dân theo, chính quyền làm - dân ủng hộ”. Cụ thể, khi thực hiện một dự án, chính quyền tổ chức họp dân thông báo chủ trương, sơ đồ quy hoạch, thời gian thực hiện và công bố công khai, dân chủ tất cả các bước trong quy trình giải tỏa, đền bù, nhất là các loại văn bản áp dụng.

Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân thấu hiểu mọi chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; từ đó xác định rõ trách nhiệm và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Thực tế cho thấy, nơi nào, dự án nào làm tốt công tác vận động quần chúng thì nơi đó việc giải tỏa, đền bù được tiến hành thuận lợi. “Phải xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không riêng của cơ quan, đơn vị, ngành nào. Công tác triển khai, tuyên truyền vận động phải có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với Mặt trận và các đoàn thể”, ông Phạm Quý nhấn mạnh.

Ngoài ra, “bí quyết” dân vận của Đà Nẵng còn thể hiện rõ từ thực tiễn đó là, phải hết sức tôn trọng dân, chú ý lắng nghe dân trình bày nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng; từ đó tập trung giải quyết một cách tích cực, kịp thời những vấn đề bức xúc, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm cơ quan công quyền, nâng cao chất lượng dịch vụ công; củng cố lòng tin của nhân dân bằng chính kết quả công việc, “nói đi đôi với làm”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tính kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan nhà nước.

Có thể khẳng định, việc tăng cường công tác dân vận trong các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, dễ hiểu, dễ thực hiện; hạn chế những sách nhiễu phiền hà cho công dân và tổ chức, góp phần làm trong sạch bộ máy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân đối với các chủ trương của thành phố, đặc biệt là chủ trương chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị. Vì thế, Đà Nẵng đã hình thành và ngày càng được bồi đắp thêm phong cách ứng xử thật đáng quý: “Đảng nói - dân tin, Mặt trận và đoàn thể vận động – dân theo, chính quyền làm – dân ủng hộ”.

Doãn Hùng