Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Bị thu bằng lái xe máy, có được sử dụng bằng lái ô-tô để thay thế không?

Thứ ba, 27/02/2024 10:04
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Dịp tết âm lịch là khoảng thời gian các gia đình thường đoàn tụ, thăm viếng và có thói quen chúc nhau bằng ly bia, cốc rượu. Tuy nhiên, việc tham gia giao thông khi có nồng độ cồn trong máu, cụ thể là có uống bia rượu là hành vi không được pháp luật cho phép. Chính vì vậy vào thời điểm này, việc kiểm tra kiểm soát các hành vi vi phạm nồng độ cồn thường được cơ quan thẩm quyền tiến hành thường xuyên hơn để đảm bảo an toàn giao thông chung. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị thu giữ giấy phép lái xe (thường được gọi là bằng lái xe) và nhiều người thắc mắc rằng liệu bị thu bằng lái xe máy thì dùng bằng lái ô- tô để thay thế được không, vì họ cho rằng xe ô-tô sử dụng khó hơn nên bằng lái ô-tô có thể dùng thay thế bằng lái xe máy. Anh A có thể xem các nội dung dưới đây để có câu trả lời cho trường hợp của mình.

Có được dùng bằng lái ô tô thay cho bằng lái xe máy không?

Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

“1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô-tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.”

Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi, sức khỏe của người lái xe như sau:

“1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô-tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô-tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô-tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô-tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô-tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô-tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô-tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe”.

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể khái niệm giấy phép lái xe (bằng lái xe), tuy nhiên có thể hiểu, đây là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép người đó vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng loại xe cơ giới đường bộ tương ứng với loại giấy phép đó, như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô-tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác. Giấy phép lái xe là loại giấy tờ chứng nhận người sở hữu có đủ điều kiện và khả năng điều khiển loại phương tiện tương ứng. Theo đó, người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông bắt buộc phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Có nghĩa là khi điều khiển xe máy, người lái phải có giấy phép lái xe máy; lái xe hơi, tài xế phải có giấy phép lái xe ô-tô.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, anh A khi bị thu bằng lái xe máy, không được dùng bằng lái xe ô-tô để thay thế. Nói cách khác, anh A phải sử dụng bằng lái xe phù hợp với loại xe mà mình đang điều khiển.

Sử dụng giấy phép lái xe không phù hợp với loại xe đang điều khiển sẽ bị xử phạt thế nào?

Điểm a khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“7. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển”

Theo đó, trong trường hợp người điều khiển phương tiện là xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh không xuất trình giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển mà sử dụng bằng lái xe ô-tô thì người điều khiển phương tiện bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“3.Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:

a) Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng và tạm giữ phương tiện theo quy định;

b) Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);

c) Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính”.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425